Đời sống

Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp trăm tỷ: Làm gì để chấm dứt tranh cãi?

Theo LS Đặng Văn Cường, hoạt động quyên góp ủng hộ miền Trung như ca sĩ Thủy Tiên đã làm phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự.

img
Sau 1 tuần kêu gọi, tài khoản nhận tiền từ thiện hỗ trợ bà con vùng lũ miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên vượt con số 100 tỷ đồng

Cần lan tỏa hoạt động từ thiện, cứu trợ

Hiện nay cả nước ta đang hướng về miền Trung để động viên, chia sẻ, đóng góp ủng hộ người dân nơi đây khắc phục thiệt hại, sớm vượt qua thời kỳ mưa lũ để ổn định đời sống. Cùng với đó là nhiều ca sĩ, nghệ sĩ cũng đứng ra vận động, kêu gọi mọi người đóng góp tiền của, tài sản ủng hộ đồng bào miền Trung, nhận tiền từ thiện và thực hiện phân phối hàng cứu trợ.

Bên cạnh sự ủng hộ, động viên, cảm kích của nhiều người thì cũng có một số người bày tỏ sự lo ngại, nghi ngờ liệu những cá nhân nhận tiền từ thiện có hay chăng vụ lợi, lợi dụng từ thiện để trục lợi và những cá nhân này huy động tiền từ thiện như vậy đã đúng quy định pháp luật hay chưa?

Có thể nói rằng hoạt động từ thiện, thiện nguyện là tặng, cho tiền của, tài sản của người có điều kiện kinh tế cho người gặp khó khăn trên cơ sở tình cảm, đạo đức xã hội với phương châm "lá lành đùm lá rách".

Nhiều nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức sẵn sàng đóng góp tiền của, tài sản vật chất để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Bên cạnh những người trực tiếp giúp đỡ cho các nạn nhân thì còn nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra tiếp nhận vận chuyển, bàn giao những tài sản đó cho những người đang gặp khó khăn. Đây là quan hệ pháp luật dân sự liên quan đến các giao dịch tặng cho tài sản, phù hợp với đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục.

Trước đây những hoạt động từ thiện diễn ra nhỏ lẻ, tự phát của những hội nhóm, một nhóm người, cộng đồng người thì hiệu quả không cao, tài sản huy động được không đáng kể nên khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật đã không giữ liệu được những tình huống này. Một số văn bản quy phạm pháp luật lại hạn chế các hoạt động thiện nguyện tự phát, khiến nhiều người có lòng hảo tâm có khả năng kêu gọi hoạt động từ thiện không phát huy được hết sức lan tỏa của tình yêu thương...

Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, sự kết nối toàn cầu, không ít những người có uy tín trong xã hội, những nghệ sĩ đứng ra kêu gọi từ thiện với tư cách cá nhân, tự phát nhưng hiệu quả không kém gì các tổ chức có chức năng cứu trợ xã hội. Bởi vậy, vấn đề quy định của pháp luật cũng cần phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

img
Luật sư Đặng Văn Cường

Quy định pháp luật không còn phù hợp cần sửa đổi

Hiện nay, hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp trợ giúp xã hội được quy định bởi Nghị định số 64/2018/NĐ-CP, và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của Bộ tài chính. Trong đó, có quy định nếu là cá nhân muốn nhận tiền, hàng cứu trợ một cách hợp pháp cần thành lập quỹ từ thiện. Đây là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.

Những quy định nêu trên nhằm ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để tư lợi cho mình. Thực tế cho thấy, không ít những trường hợp cá nhân, tổ chức mượn danh nghĩa từ thiện, huy động người khác góp tiền để từ thiện một cách tự phát nhưng không thực hiện hoạt động từ thiện theo đúng cam kết biển thủ, ăn bớt dẫn đến ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, làm giảm đi lòng tin của người hảo tâm gây ra những nghi ngờ, hoài nghi trong hoạt động từ thiện.

Thậm chí, có thể xảy ra những trường hợp cán bộ, tổ chức được giao phân công nhiệm vụ thực hiện hoạt động từ thiện nhưng không làm hết chức trách nhiệm vụ và vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản từ thiện. Bởi vậy nghị định trên và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định nhằm khắc phục những hiện tượng này.

Tuy nhiên, những văn bản pháp luật nêu trên ban hành đến nay đã hơn 10 năm, điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, vấn đề đạo đức xã hội cũng có những chuyển biến trên cơ sở sự phát triển của kinh tế, xã hội. Bởi vậy, cần phải có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp để những quy định pháp luật trên không trở thành rào cản cho các tổ chức, cá nhân khởi tâm, động lòng giúp đỡ người khác.

Thực tế có những trường hợp người dân vì yêu mến thần tượng của mình, tin tưởng vào những ca sỹ, nghệ sĩ, người nổi tiếng mà sẵn sàng quyên góp tiền, tài sản hoặc chuyển giao tiền tài sản cho họ thực hiện hoạt động từ thiện. Thậm chí, việc kêu gọi của họ có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi hơn nhiều tổ chức, cơ quan nhà nước. Những ca sỹ, nghệ sĩ, những người có danh tiếng cũng không vì số tài sản đó mà làm mất đi uy tín, thanh danh của mình.

Thực tế, nhiều ca sĩ như Thủy Tiên, Mỹ Tâm, MC Phan Anh... đã tự bỏ tiền ra để cứu trợ và đứng ra kêu gọi quyên góp với mục đích cứu trợ, từ thiện trên danh nghĩa của mình chứ không giả mạo, mượn danh nghĩa của cơ quan, tổ chức khác. Tài sản họ tiếp nhận, sau đó được phân phối đúng mục đích thì hành vi này của họ là không vi phạm pháp luật.

Quan điểm của cá nhân tôi, đối với hoạt động từ thiện, kêu gọi từ thiện tự phát của cá nhân, tổ chức thì không cần quy định cấm đoán, cản trở, hạn chế mà cho phép hoạt động theo các quy định của bộ luật dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội. Trong trường hợp ai đó lợi dụng hoạt động này để trục lợi, lừa đảo thì đã có những chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng các quy định như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.

Những quy định về việc tổ chức, hoạt động của quỹ từ thiện theo các văn bản pháp luật trên đều phải căn cứ Bộ luật Dân sự và phải phù hợp với đạo đức xã hội, giải quyết được vấn đề cấp bách trong xã hội.

Thực tế hiện nay Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác không có quy định nào cấm hoạt động cứu trợ tự phát của công dân hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái.

Bởi vậy, Chính phủ nên có những dự thảo sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật này hoặc có những văn bản dạng thông tư, quyết định, chỉ thị để bổ sung làm rõ những trường hợp hoạt động từ thiện như Thủy Tiên để tránh gây tranh cãi trong dư luận xã hội, đồng thời phát huy được những giá trị nhân văn, khơi gợi được tình yêu thương, đạo đức xã hội và huy động được các nguồn lực trong xã hội để ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn, thiên tai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.