Thời sự Quốc tế

Cả Thủ tướng Thái Lan và cựu lãnh đạo dính vào rắc rối pháp lý

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra bị cáo buộc phạm tội khi quân và các tội danh liên quan đến máy tính trong khi đó Thủ tướng Srettha Thavisin bị kiện vi phạm quy định đạo đức và yêu cầu miễn nhiệm.

Cựu Thủ tướng Thái Lan phải nộp bảo lãnh 350 triệu đồng

Ngày 18/6, người phát ngôn Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan cho biết cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị đưa đến Tòa án Hình sự để hầu tòa trước cáo buộc khi quân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà vua.

Tòa đã thụ lý vụ án, chính thức tuyên bố ông Thaksin là bị cáo với cáo buộc khi quân và các tội danh liên quan đến máy tính.

Cụ thể trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo vào ngày 21/5/2015, ông Thaksin cho rằng các ủy viên Hội đồng Cơ mật nước này đã hậu thuẫn cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính phủ của em gái ông là cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Khả năng cao ông Thaksin sẽ được tha tù trong tháng tới (Ảnh: DW)

Tòa án Hình sự đã trả tự do cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra sau khi cáo buộc ông phạm tội khi quân và các tội danh liên quan đến máy tính. (Ảnh: Bangkok Post)

Tướng Udomdej Sitabutr, khi đó là Thứ trưởng Quốc phòng trong chính phủ quân sự của cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, đã đề nghị kiện ông Thaksin với cáo buộc xúc phạm hoàng gia.

Không chỉ vậy, ông còn được cho là đã nhập dữ liệu vào một hệ thống máy tính, gây ra những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Cơ quan cảnh sát Thái Lan xác định những bình luận ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn đã phạm tội khi quân và vi phạm Đạo luật Tội phạm Máy tính. Tòa án Hình sự sau đó đã thụ lý vụ kiện và ra lệnh bắt giữ ông Thaksin. 

Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Amnat Chetcharoenrak cũng đã quyết định truy tố ông Thaksin về cả hai tội danh trên.

Tuy nhiên vị cựu Thủ tướng Thái Lan đã phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định sẽ tự bào chữa trước tòa.

Hiện tại, Tòa án Hình sự đã trả tự do cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra với số tiền bảo lãnh 500.000 baht (khoảng 350 triệu đồng) với lý do tin tưởng ông sẽ không bỏ trốn, không giả mạo chứng cứ, thực hiện các hành vi nguy hiểm hoặc cản trở quá trình tố tụng của tòa án.

Trước khi được trả tự do, ông Thaksin phải giao nộp hộ chiếu và bị cấm rời khỏi Thái Lan trừ khi được phép. Tuy nhiên, ông vẫn có thể bị giam giữ trước khi xét xử nếu bị Tòa án Hình sự từ chối bảo lãnh sau bản cáo trạng.

Theo tờ BangkokPost, tội danh khi quân của ông Thaksin có mức án phạt tù tối đa lên tới 15 năm.

Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, sau đó sống lưu vong ở nước ngoài hơn 15 năm trước khi trở về nước vào tháng 8/2023 và nhận án 8 năm tù giam ngay sau đó.

Ông đã được Hoàng gia ân xá xuống còn 1 năm tù và tiếp tục được tha bổng, không phải chịu án tù ngay đầu năm 2024.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ấn định ngày xem xét Thủ tướng Srettha Thavisin

Cùng ngày 18/6, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết sẽ xem xét vụ kiện chống lại Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin vào ngày 10/7 trong khi chờ nhận ý kiến từ những người và tổ chức liên quan.

Đơn kiện do một nhóm thượng nghị sĩ tạm quyền đệ trình, yêu cầu tòa xem xét tư cách đạo đức của Thủ tướng Srettha và xem xét khả năng cách chức ông liên quan đến việc bổ nhiệm ông Pichit Chuenban làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng. 

Cả Thủ tướng Thái Lan và cựu lãnh đạo dính vào rắc rối pháp lý- Ảnh 2.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin (Ảnh: Văn phòng Chính phủ).

Ông Pichit từng có tiền án về tội hối lộ và là cựu luật sư của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Trước khi được bổ nhiệm vào nội các, ông Pichit là cố vấn cho ông Srettha. 

Năm 2008, ông Pichit bị Tòa án Tối cao Thái Lan kết án 6 tháng tù vào vì tội hối lộ khi đưa cho các quan chức Tòa án Tối cao một hộp cơm trưa có chứa 2 triệu baht. Do đó ông bị chỉ trích không thích hợp để giữ chức bộ trưởng nội các.

Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp cũng sẽ xem xét vụ giải tán Đảng Tiến bước (MFP), đảng đối lập chính tại Thái Lan, vào ngày 3/7. Đơn kiện này liên quan đến việc MFP đã đề xuất sửa đổi Mục 112 của Bộ luật Hình sự, được gọi là luật khi quân, và bị cáo buộc phá hoại chế độ quân chủ lập hiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.