Ai cũng cảm phục ông Trần Văn Phùng, bố Thượng tá phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải khi ở tuổi 90, ông kiên cường nén nỗi đau, tiếp mọi đoàn khách tới thăm hỏi |
Tại ngôi nhà thời thơ ấu của Thượng tá phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang những ngày này luôn có rất nhiều người ra vào thăm hỏi. Ngay từ khi biết tin chiếc máy bay Su-30MK2 có phi công Trần Quang Khải mất tích, đồng đội, người thân, bạn bè, chòm xóm… đã thường xuyên qua lại, ngóng từng tin tức tìm kiếm anh.
Rồi từ đêm 17/6, khi biết tin anh đã hy sinh, dòng người đến đông hơn để chia buồn, động viên gia đình người phi công tử nạn. Những ai đến ngôi nhà cấp 4 giản dị, nơi Thượng tá phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải sống thời thơ ấu, đều ngạc nhiên đến khâm phục hình ảnh bố anh, ông Trần Văn Phùng, dù đã 90 tuổi, nhưng vẫn gượng tiếp mọi đoàn khách đến thăm.
Rất đông người đến thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình Thượng tá phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải |
Người thân trong gia đình cho biết, ông cụ gầy rộc đi từ ngày nhận tin con trai mất tích. Ông vốn sức khỏe yếu, mắc bệnh cao huyết áp, nên gia đình đều khuyên ông cứ nghỉ ngơi, mọi việc đã có đồng đội và người thân lo. Nhưng ông vẫn muốn tự tay cảm ơn những tấm lòng, tình cảm của đồng đội, bà con, bạn bè… dành cho con trai mình.
“Gia đình có 11 người con, trong đó có 2 con trai, thì em Khải là con trai đầu, là người duy nhất trong nhà theo nghề binh nghiệp. Em Khải bận công việc nên đi liên miên, cũng vì ham mê nghề phi công, gắn mình với những chuyến bay, mãi gần 40 tuổi em mới lấy vợ, nên bố tôi càng thương em hơn”, chị Trần Thị Liên, chị gái anh Khải cho hay.
Ông Phùng chỉ lặng lẽ khóc khi khách khứa đã vãn |
Chị Trần Thị Liên cho biết, khi biết tin máy bay Su-30MK2 gặp nạn, mất tích, cả gia đình, trong đó có ông cụ không ngừng hy vọng sẽ sớm tìm kiếm được anh Khải. Khi đồng đội của anh trên chiếc Su-30MK2 là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được tìm thấy, gia đình càng tăng thêm niềm hy vọng. Rồi lúc lực lượng cứu hộ thông báo phát hiện vật thể nghi là áo phao gần đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), gia đình lại lóe lên tia hy vọng. Họ mong rằng anh cũng đang ngồi trên chiếc phao cứu sinh nào đó chờ người đến cứu.
Đến chiều tối 17/6, thông tin phát hiện thi thể cuộn trong vải dù ở gần đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khiến gia đình lặng đi, nhưng vẫn không nguôi hy vọng. Ông Trần Văn Phùng vẫn tin tưởng, người con trai vững vàng, giỏi giang của mình sẽ vượt được qua tai nạn.
“Đến hơn 10h đêm, đồng đội báo tin thi thể được xác nhận là Thượng tá Trần Quang Khải, cả gia đình vỡ òa trong nỗi đau. Tôi chỉ lo bố tôi tuổi già sức yếu sẽ quỵ ngã vì nỗi đau quá lớn, thật không dám tin ông cụ kiên cường thế kia”, chị Liên nói.
Trong ký ức của người chị gái, anh Khải là người giỏi giang, đôn hậu, sống tình cảm, ai cũng yêu mến. Năm anh Khải vào nghề phi công, cả tỉnh Bắc Giang có mình anh trúng tuyển phi công quân sự. Tốt nghiệp trường Sĩ quan không quân Nha Trang, anh Khải về công tác tại Trung đoàn không quân 923, Quân chủng phòng không không quân đóng tại sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Tấm ảnh cưới của Thượng tá phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải được phóng to, treo ở nhà bố |
Là một trong những phi công lái tiêm kích Su-30 thế hệ đầu tiên của Việt Nam, năm 2013, anh được cử sang Nga huấn luyện gần một năm về máy bay chiến đấu Su-30MK2. Anh Khải hiện giữ chức vụ Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng trung đoàn.
Mải mê sự nghiệp, gần 40 tuổi anh Khải mới lấy vợ, một cô giáo dạy trên Hà Nội. Hai vợ chồng đã có một con gái nhỏ năm nay gần 4 tuổi. Chuyến nghỉ phép dịp 30/4-1/5 vừa qua, anh Khải có ghé về thăm gia đình và bày tỏ dự định sẽ về xây ngôi nhà mới trên ngôi nhà cũ này cho bố. “Không ngờ, đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp em Khải”, chị Liên khóc.
Chỉ tay vào tấm ảnh cưới của anh Khải được phóng to treo trong nhà, chị Liên cho hay, sau khi bà mất, ông Phùng chỉ đau đáu giục anh Khải lấy vợ. Gần 40 tuổi anh Khải mới cưới vợ, ông mừng lắm. Khi anh Khải có cháu nhỏ, ông càng vui hơn. Nay đứa con ông dồn bao yêu thương, kỳ vọng ra đi đột ngột, ông đau lòng lắm, nhưng ông vẫn kiên cường chấp nhận sự thật. Với ông, anh Khải hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ là sự hy sinh đầy tự hào, hy sinh cho Tổ quốc...
“Bố chỉ lén khóc khi khách khứa đã vãn, nhưng nhìn bố gày sọp đi, tôi biết bố đau lắm”, chị Liên nghẹn lời.
Đúng như lời chị Liên nói, sau khi tiễn một đoàn khách ra cửa, ông Phùng quay vào nhà lấy khăn tay chấm dòng nước mắt trào ra, ông lặng lẽ khóc. Khi chị Liên đến gần động viên ông gắng giữ sức khỏe, ông nghẹn ngào nói: “Bố thương cháu nhỏ, nó mới 4 tuổi chưa hiểu chuyện gì…”.
Theo thông tin từ người thân và đồng đội, hôm nay, ngày 19/6, Quân chủng Phòng không không quân sẽ làm nghi lễ truy điệu Thượng tá phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải tại Nghệ An. Chiều ngày 20/6, đồng đội và người thân sẽ đưa thi thể anh về quê mẹ. Ngày 21/6, sẽ đưa thi thể Thượng tá phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải lên Hà Nội hỏa táng, sau đó đưa về quê nhà chôn cất. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận