Hạ tầng

Cả trăm năm nay duy tu đường sắt vẫn bằng… “máy chèn cơm”

04/06/2019, 06:56

Ngày 30/5 vừa qua, trên facebook chia sẻ một đoạn video clip ghi lại hình ảnh những người công nhân duy tu đường sắt đang miệt mài lao động.

img
Công nhân duy tu đường sắt miệt mài lao động (Ảnh minh họa)

Cảnh sắc bầu trời âm u như sắp mưa hoặc vào chiều muộn. Tốp công nhân vẫn việc ai nấy làm như tranh thủ thời gian, cố hoàn thành công việc, chỉ nghe tiếng cuốc bổ xuống, tiếng nhắc nhau làm điểm này, điểm kia.

Với người ngoài ngành Đường sắt, đây chỉ là một clip ghi lại cảnh lao động rất bình thường và không có gì đáng chú ý nếu không có những bình luận về công việc của công nhân duy tu đường sắt. Một người viết: “Chỉ tính từ đời mình làm từ năm 1965 đến nay cũng hơn 50 năm, vẫn y nguyên dụng cụ cuốc chèn của thợ mổ đường”.

Người khác chua chát: “Đúng là “máy chèn cơm”, vừa rẻ, vừa cơ động, không mất phí bảo dưỡng, đời culi hỏa xa biết bao giờ mới hết cuốc chèn”…

Quả thật, thời đại 4.0 rồi mà người công nhân duy tu đường sắt vẫn cái cuốc chim, cái xẻng, cái búa là dụng cụ lao động chính, cách thức này đã tồn tại từ thời mới có đường sắt, cách đây cả trăm năm. Nghĩa là vẫn dùng sức người là chính, vẫn cái cuốc bổ xuống từng nhát để phá tung nền đá ballast đang bị đóng cốt cứng; vẫn người cẩm xẻng, người kéo dây thừng được quấn quanh cán xẻng, phối hợp nhịp nhàng để xúc đá ballast đổ vào giữa ray, tà vẹt… Hình ảnh này không phải là hiếm mà phổ biến trên đường sắt Việt Nam hiện nay.

Điều đáng nói là công việc nặng nhọc, vất vả như vậy nhưng lương công nhân duy tu đường sắt hiện rất thấp. Thợ bậc cao, làm đủ công, thâm niên nhưng có tháng cũng chỉ vài ba triệu đồng vì còn phụ thuộc vào khối lượng công việc được giao.

Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, nhiều công nhân duy tu đường sắt vẫn cho rằng: “Không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ lương thấp”. Vất vả mấy họ cũng sẽ cố gắng vượt qua nếu đồng lương được trả xứng đáng với công sức.

Cũng vì tính chất công việc quá vất vả, đặt nhiều đơn vị duy tu đường sắt vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Thực tế, khoảng hơn một năm gần đây, hàng loạt lao động đã xin nghỉ việc, tìm kiếm cơ hội việc làm khác có thu nhập tốt hơn. Việc tuyển dụng mới cũng rất khó khăn vì không thu hút được người lao động. Nếu ngành Đường sắt không có chính sách, giải pháp nâng cao thu nhập cho người lao động, với tình trạng thiếu lao động như hiện nay, để giữ vững được chất lượng cầu đường, đảm bảo an toàn chạy tàu sẽ là bài toán khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.