Tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển
Container hoá trong vận tải quốc tế là một cuộc cách mạng ngày càng lớn. Kinh nghiệm thực tế của nhiều nước có hệ thống vận tải hàng hóa bằng container phát triển đã chứng minh tính ưu việt của nó so với phương pháp chuyển hàng hoá bằng bao gói thông thường hay dùng pallet.
Lượng hàng container qua cảng biển tăng theo từng năm
Với ưu thế tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển…, nhiều nước nhanh chóng xây dựng các cảng biển đón nhận tàu container hiện đại, cũng như phát triển đội tàu này.
Thực tế, các hãng tàu đã liên tục tăng cường các chuyến tàu, đội tàu container chở hàng đi quốc tế. Thống kê cho thấy, hãng tàu CMA-CGM đã tăng cỡ tàu từ 9.000 Teus đến 15.000 Teus cho tuyến đi Châu Mỹ, bổ sung 36.000 container về Việt Nam từ năm 2020 đến nay.
Hãng tàu Maersk cũng bổ sung 215.000 Teus và đưa tuyến vận tải mới vào Cái Mép đi bờ Đông nước Mỹ, bổ sung thêm tuyến từ TP. HCM đi thị trường Tây Phi trong khi hãng tàu HMM bổ sung 37.021 container (2020), 5 tháng đầu năm 2021 là 5.300 container.
Từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, ONE bổ sung 367.100 Teus. Evergreen bổ sung thêm 38.500 Teus năm 2020 và 21.000 TEUs vào năm 2021. Từ 2020 đến nay, Hapag - Lloyd đã bổ sung trên 100.000 Teus. Yang Ming cũng không kém cạnh khi bổ sung lượng container lên tới 97.000 Teus…
Theo số liệu của Cục Hàng hải VN, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, lượng hàng container thông qua cảng biển của Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 7% so với năm 2020. Trong khi đó, lượng hàng container xuất nhập khẩu năm 2021 bằng 1,67 lần so với năm 2015.
Cục Hàng hải VN nhận định, điều này cho thấy xu thế container hóa ngày càng được tăng cao và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này.
Tuy nhiên, đội tàu container của Việt Nam dù có tăng, lượng hàng chuyên chở cũng phát triển mạnh song thẳng thắn mà nói, đội tàu của ta chỉ có khả năng đảm nhận thị trường nội địa và hoạt động tuyến quốc tế ngắn đi Hồng Kông, không cạnh tranh được với các hãng tàu nước ngoài ở tuyến quốc tế.
Hầu hết hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới đều do các hãng tàu quốc tế đảm nhận. Một số tuyến điển hình như tuyến Việt Nam đi Châu Mỹ, 18 tuyến (Lạch Huyện: 02 tuyến/tuần, Cái Mép - Thị Vải: 16 tuyến/tuần); tuyến Việt Nam đi Châu Âu 02 tuyến/tuần (2 tuyến/tuần tại cảng Cái Mép - Thị Vải); tuyến Việt Nam đi Châu Á, Châu Phi, Châu Úc (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM…).
Kết nối vận chuyển hàng container bằng đường thủy có ý nghĩa lớn
Đối với lượng hàng container do độ tàu biển Việt Nam vận chuyển, năm 2021, lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam do đội tàu biển Việt Nam thực hiện đạt hơn 3 triệu Teus, tương ứng tăng 50% so với năm 2015 (1,9 triệu Teus), chiếm gần 13% tổng số container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Số lượng container nội địa chiếm 34% tổng số lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam
Phần còn lại được vận chuyển bằng phương tiện thủy SB kết nối giữa các cảng biển Việt Nam hoặc từ cảng biển Việt Nam vào các bến cảng thủy nội địa.
Cũng trong năm 2021, số lượng container nội địa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 78,4 triệu tấn (gần 8,2 triệu Teus), chiếm 34% tổng số lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam được thực hiện vận chuyển hoàn toàn bằng đội tàu biển Việt Nam và 3 tàu biển container thuộc sở hữu của chủ tàu Việt Nam và các phương tiện thủy nội địa của Việt Nam.
“Việc kết nối vận chuyển hàng container bằng đường thủy có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động khai thác cảng của khu vực phía Nam và phục vụ cho việc thiết lập được các tuyến đi thẳng Châu Âu và Mỹ. Nếu không có hoạt động kết nối này, chắc chắn hoạt động hàng hải liên quan đến container không đạt được những kết quả như ngày hôm nay”, Cục Hàng hải VN nhận định.
Do đó, cơ quan này cho rằng cần có những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ việc kết nối bằng đường thủy để trung chuyển hàng container phục vụ các cảng khu vực phía Nam và từng bước mở rộng ra khu vực phía Bắc trong điều kiện giao thông được bộ chưa đáp ứng được khả năng kết nối như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận