Thống nhất cao đi học trở lại vào đầu tháng 3
Tại cuộc họp, các ý kiến đều nhấn mạnh rằng, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, nhưng ở trong nước, chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vấn đề cho học sinh, sinh viên đi học hay nghỉ học rất quan trọng. Bởi đây là vấn đề được toàn dân quan tâm.
Theo quy định hiện hành chỉ 3 địa phương có dịch là Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa mới phải điều chỉnh lịch học, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở ngoài nước rất phức tạp, dư luận lại đặc biệt quan tâm, do đó các địa phương trong cả nước mới quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020.
Đi học không phải đeo khẩu trang
Tại cuộc họp, các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng học sinh, sinh viên đi học không phải đeo khẩu trang. Bởi đeo khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn ngừa người nhiễm bệnh lây lan ra cộng đồng, không có tác dụng phòng bệnh, thậm chí đeo khẩu trang không đúng cách còn không tốt cho sức khỏe…
Đây là việc làm cần thiết, bởi quan điểm nhất quán của chúng ta là phải đảm bảo an toàn môi trường học đường, bảo đảm phụ huynh an tâm thì mới cho học sinh đi học trở lại. Cho nghỉ học để các trường có thời gian tiến hành vệ sinh khử trùng, diệt khuẩn trường lớp; tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng chống cho giáo viên, người học cũng như bảo đảm các trang thiết bị cần thiết cho công tác bảo đảm vệ sinh dịch tễ,…
Căn cứ vào tình hình phòng chống dịch bệnh trong nước, công tác bảo đảm các điều kiện an toàn trường học, xem xét các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm các nước có điều kiện tương đồng…, tại cuộc họp, đa số các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương muốn cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vào đầu tháng 3. Riêng TP HCM đề nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu ý kiến: “Chẳng lẽ chúng ta cứ lo suốt? Dịch SARS năm 2003 còn nguy hiểm hơn nhưng Hà Nội đã đối mặt và vượt qua. Thậm chí thời chiến tranh, Thủ đô bị ném bom, nhưng học sinh vẫn đi học, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường…”
“Thực tế tại nhiều nước có dịch vẫn cho học sinh đi học bình thường. Vả lại, cho các cháu ở nhà cũng không phải là giải pháp an toàn. Thậm chí ở nhà không kiểm soát được còn nguy hiểm hơn là đi học. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học sẽ gây nhiều hệ lụy không chỉ đối với giáo dục và còn gây ảnh hưởng không tốt tới nhiều lĩnh vực khác”, ông Chung phân tích.
Tán thành với đề xuất của Hà Nội, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Trường Đoàn Thị Điểm… đều cho rằng việc cho học sinh, sinh viên cả nước đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới là phù hợp và khả thi.
Sớm điều chỉnh khung chương trình
Về thẩm quyền quyết định việc cho học sinh, sinh viên cả nước đi học trở lại, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, theo các quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giáo dục đào tạo; Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Cho nên hai Bộ này có thẩm quyền, có trách nhiệm quản lý giáo dục, giáo dục nghề nghiệp…
Bộ GD&&ĐT đã có quyết định ban hành khung thời gian năm học (mầm non, phổ thông), nên các việc liên quan đến việc cho học sinh nghỉ học, nghỉ học đồng loạt trên cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tương tự, việc quyết định cho học sinh giáo dục nghề nghiệp đi học là do Bộ LĐTBXH.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tính tới ngày 29/2, học sinh, sinh viên cả nước sẽ nghỉ trọn 4 tuần.
Bộ đã bàn rất kỹ và đang xây dựng quyết định chuẩn bị sau buổi hôm nay sẽ trình Bộ trưởng quyết định điều chỉnh khung chương trình thời gian năm học. Theo đó, thời gian kết thúc năm học sẽ lùi một tháng tương ứng với thời gian đã nghỉ. Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 23-26/7, đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo, học sinh thi tốt nghiệp.
“Chúng ta phải tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ý thức được nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, quan trọng là biết đúng những biện pháp để phòng bệnh cho mình và tham gia vào chống dịch trong sinh hoạt tại nhà, trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người, nơi làm việc. Không chủ quan nhưng cũng không hoảng sợ một cách vô lý”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã có công điện gửi các đơn vị yêu cầu tuỳ theo tình hình cụ thể của địa phương để cho học sinh nghỉ học (không phải nghỉ đồng loạt), đồng thời tiến hành triển khai khử trùng, tiêu độc cơ sở đào tạo; tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho học sinh, giáo viên… Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về cơ bản các học viên đã trưởng thành và có ý thức phòng ngừa dịch bệnh nên không có vấn đề gì khi tổ chức đi học trở lại.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020. Trường hợp Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH không quyết định thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định để làm căn cứ cho các tỉnh thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Các địa phương phải rà soát lại việc thực hiện yêu cầu chuyên môn nhằm bảo đảm trường lớp vệ sinh, an toàn một cách rất chi tiết như bố trí chỗ rửa tay ở đâu; lau nhà, mặt bàn, ghế, nắm tay cửa, tay vịn cầu thang thế nào, ai lau; quy định cụ thể những người được ra, vào trường trong điều kiện có dịch.
“Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các địa phương là đã bước vào trong trường học thì môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước. Bởi trụ sở cơ quan nhà nước còn có những người không rõ lai lịch đến làm việc còn trong trường học chúng ta biết rõ từng học sinh, từng giáo viên. Các cháu học sinh được hướng dẫn biện pháp giữ vệ sinh cá nhân. Hàng ngày, phụ huynh, giáo viên, y tế trường học kết hợp với y tế cơ sở kiểm tra, nắm sát tình hình sức khoẻ của mỗi học sinh ở nhà cũng như khi đến trường. Làm được như vậy, phụ huynh và xã hội sẽ yên tâm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận