Kiếm hàng tỷ đô
Ngày 19/9, báo Financial Times dẫn nghiên cứu từ Trường Kinh tế Kiev (KSE) cho biết, các công ty đa quốc gia từ các nước áp các lệnh trừng phạt Nga nhưng vẫn hoạt động ở nước này đang kiếm lợi nhuận lớn.
KSE thực hiện nghiên cứu, tính toán trên dựa trên các nguồn như thông tin đăng ký doanh nghiệp tại Nga, báo cáo doanh nghiệp.
Theo đó, trong năm 2022, nhiều thương hiệu lớn của phương Tây còn hoạt động ở Nga đã tạo ra hơn 18 tỷ USD lợi nhuận tại thị trường này, chiếm phần lớn trong tổng số 20 tỷ USD lợi nhuận mà tất cả các doanh nghiệp nước ngoài đạt được tại nước này.
"Con số lợi nhuận và doanh thu có thể đã tăng thêm nhiều sau năm 2022, nhưng chúng tôi không thể đưa ra đánh giá chính xác vì doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Nga chỉ công bố kết quả kinh doanh ở nước này theo năm"– báo Financial Times dẫn lời Phó giám đốc phát triển của KSE – ông Andrey Onopriyenko, người biên soạn dữ liệu cho biết.
Các công ty có trụ sở tại Mỹ đạt được tổng lợi nhuận lớn nhất ở mức 4,9 tỷ USD, theo sau là Đức khoảng 2,4 tỷ USD, tiếp đó là các doanh nghiệp Áo khoảng 2 tỉ USD, cuối cùng là các doanh nghiệp Thụy Sĩ khoảng 1 tỷ USD.
Trong số các doanh nghiệp của phương Tây còn hoạt động ở Nga, Ngân hàng Raiffeisen có trụ sở tại Áo mang về lợi nhuận lớn nhất - khoảng 2 tỷ USD trong năm 2022.
Theo sau là tập đoàn thuốc lá Mỹ Philip Morris với khoảng 77 triệu USD. Tiếp đó là tập đoàn nước uống PepsiCo với khoảng 718 triệu USD khi vẫn còn bán một số sản phẩm tại Nga.
… nhưng khó hưởng
Tuy nhiên, hầu hết các công ty phương Tây đều không thể tiếp cận lợi nhuận mà họ đạt được tại Nga.
Ngay sau khi xung đột tại Ukraine bắt đầu, Moscow đã lập một danh sách các quốc gia áp lệnh trừng phạt với Nga, coi đây là các quốc gia không thân thiện, bao gồm: Mỹ, Anh, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada…
Tất cả các giao dịch với những công ty đến từ hai quốc gia này đều cần phải qua chính phủ Nga phê duyệt và lợi nhuận từ các công ty này đều nằm trong lệnh cấm trả cổ tức.
Việc thanh toán cổ tức vẫn có thể thực hiện được nếu chính phủ Nga cấp phép đặc biệt nhưng theo báo cáo của KSE, rất ít giấy phép được cấp tính đến thời điểm này.
Các công ty phương Tây cũng có thể xin ủy thác từ chính phủ để bán doanh nghiệp tại Nga nhưng những giao dịch như vậy thường đồng nghĩa phải giảm giá rất sâu và người mua tài sản phương Tây cũng phải đóng một khoản bắt buộc vào ngân sách Nga.
Khi được hỏi bình luận về tình hình trên, ngân hàng Raiffeisen cho biết, họ vẫn chưa tiếp cận được lợi nhuận của chi nhánh tại Nga. Song, ngân hàng này không xóa bỏ giá trị hoạt động kinh doanh tại Nga.
Số lợi nhuận bị kẹt ở Nga đẩy những tổn thất mà các công ty nước ngoài phải đối mặt do chiến sự giữa Nga và Ukraine, tăng cao. Theo một bài báo vào tháng trước của Financial Times, các công ty châu Âu đã báo cáo thua lỗ ít nhất 100 tỷ euro tại Nga kể từ khi xung đột nổ ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận