Tại Cần Thơ, do các quận trung tâm Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng còn áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên các tuyến đường, rất hiếm gặp các sạp bán bánh trung thu. Nếu có cũng rất vắng khách.
Nguyên nhân là 5 quận của Cần Thơ vẫn đang giãn cách theo Chỉ thị 16, rất ít người ra đường nên chủ các sạp bánh ngáp dài chờ khách. Cán bộ công nhân viên cũng làm việc online, doanh nghiệp đóng cửa, nhu cầu mua bánh biếu đối tác… cũng không có.
Các gian hàng bán bánh trung thu vắng khách.
Chỉ có tại các huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai được áp dụng Chỉ thị 15 từ 0h ngày 18/9, 2 ngày nay sức mua có tăng chút ít. Nơi bán bánh trung thu chủ yếu tại các chợ huyện, xã, bày bán chung với hàng tạp hóa, bánh kẹo…
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ sạp bánh ở chợ Thới Lai, cho biết: “Tôi chỉ dám lấy mỗi lần một ít về bán, sát Tết Trung thu rồi. Ở đây còn đỡ, chứ Ninh Kiều, Ô Môn… bán bánh này thì “thua trắng”, vì thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 còn kéo dài qua Tết Trung thu”…
Những năm trước, vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 (Âm lịch), ở khu vực trung tâm TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã trở nên sôi động, nhộn nhịp khi có rất nhiều ki ốt của các nhà sản xuất, kinh doanh các loại bánh phục vụ cho Tết Trung thu mọc lên. Họ bán không chỉ sản phẩm của các cơ sở ở Sóc Trăng mà còn có sản phẩm của nhiều nhãn hiệu của các tỉnh, thành khác.
Một nơi sản xuất bánh vắng lặng, không có khách
Chỉ còn vài ba ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng thị trường bánh trung thu trở nên èo uột và thưa vắng khách mua, dù Sóc Trăng đã trở lại trạng thái bình thường mới. Những năm trước, khu vực trước Bưu điện tỉnh Sóc Trăng, công viên 30/4, bãi giữ xe chợ trung tâm TP Sóc Trăng và trên nhiều tuyến đường trong nội ô TP Sóc Trăng có rất nhiều cửa hàng bày bán bánh nhưng năm nay cũng thưa vắng.
Trên đường Lý Thường Kiệt (phường 1, TP Sóc Trăng) có 1 cơ sở sản xuất và bày bán bánh trung thu khá có tiếng. Những năm trước lúc nào cũng tấp nập người ghé mua nhưng năm nay rất ít người mua.
Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 1, TP Sóc Trăng) có 1 cửa hàng bán sản phẩm bánh của Công ty Tân Huê Viên cũng khá vắng vẻ, lúc đông nhất cũng chỉ có 4 - 5 người đến mua hàng.
Lác đác vài người ghé hỏi giá hoặc mua bánh.
Trước Bưu điện tỉnh Sóc Trăng chỉ có 1 gian hàng nhỏ bày bán sản phẩm bánh trung thu của nhãn hiệu Kinh Đô. Khu vực bãi giữ xe chợ trung tâm TP Sóc Trăng chỉ có khoảng 6 gian hàng của 4 nhà sản xuất bánh trung thu nhưng số lượng không nhiều.
Một nhân viên bán hàng ở đây cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, phân chia vùng theo mức độ nguy cơ dịch, đi lại hạn chế nên sức mua giảm mạnh so với trước đây. Đặc biệt, khách hàng mua nhiều nhất thường là phụ huynh học sinh để làm quà cho giáo viên dạy con mình nhưng năm nay chưa vào học nên phụ huynh cũng không mua nhiều”.
Tân Huê Viên - 1 trong thương hiệu nổi tiếng của Sóc Trăng, khách hàng cũng không bao nhiêu.
Chủ 1 cơ sở sản xuất bánh trung thu ở TP Sóc Trăng cho biết, những năm trước, cơ sở của ông nhận đặt hàng của các cơ quan rất nhiều nhưng năm nay vì dịch bệnh Covid-19, hạn chế đi lại nên không còn mối đặt hàng nhiều như trước. Theo bảng giá tại các cửa hàng, giá bánh năm nay dao động từ 170.000 - 600.000 đồng/hộp, đồng thời những dòng bánh cao cấp có giá có thể lên đến 4,5 triệu đồng/hộp.
Theo anh Nguyễn Văn Thuận, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, giá bánh trung thu năm nay ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19 nên có tăng giá so với những năm trước nhưng không cao lắm, người mua chấp nhận được vì đồng cảm với khó khăn của nhà sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như khan hiếm nguyên vật liệu, khâu vận chuyển khó khăn vì giãn cách xã hội, thiếu nhân công…
Người kinh doanh bánh trung thu năm nay thất thu.
“Tuy nhiên, sức mua giảm vì thời gian qua nhiều người phải ở nhà, không đi làm nên không mặn mà chuyện mua bánh trung thu”, anh Thuận nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận