Hôm nay (28/4), Thủ tướng sẽ dành cả ngày lắng nghe, trao đổi, trả lời những tâm tư, kiến nghị, đề xuất của đại diện các hiệp hội, ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2014.
Tại hội nghị, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: Trong số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 2% và cũng ngần ấy phần trăm các doanh nghiệp cỡ vừa; còn lại 95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; riêng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 66 - 67%, nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể thì tỉ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm trên 99,9%.
Bức tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, được Chủ tịch VCCI so sánh một cách hình ảnh là “đội thuyền thúng” doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập của đất nước.
Do vậy, yêu cầu sống còn của cộng đồng doanh nghiệp là phải tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên về quy mô, cao hơn về công nghệ, vươn tới các chuẩn mực quốc tế về quản trị để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra được các thương hiệu và giá trị của chính các doanh nghiệp Việt.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị một số nhóm giải pháp: Hệ thống pháp luật về kinh doanh cần tiếp tục đổi mới để đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp, theo hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư thông thoáng hơn nữa, bỏ yêu cầu ghi trong ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh; bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với dự án đầu tư; rà soát, loại bỏ, ngăn chặn tình trạng ban hành các giấy phép con dưới mọi hình thức…
Về chính sách tài khoá, VCCI kiến nghị Chính phủ rút ngắn lộ trình giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa; xem xét giảm giá trị gia tăng cho một số ngành, hàng, rà soát, bãi bỏ một số loại phí không phù hợp.Về chính sách tín dụng, cần thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo chuỗi sản xuất và cung ứng, mở rộng bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và hình thức cho vay tín chấp thông qua hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, cho vay theo kế hoạch sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp.
Về quan hệ lao động, VCCI đề nghị tiếp tục giãn tiến độ tăng tiền lương tối thiểu ít nhất trong 2 năm (2014 - 2015), với mức tăng tối đa trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm, bảo đảm mức tăng tiền lương phù hợp với tăng năng suất lao động…Cùng với đó là hàng loạt kiến nghị chính sách về công nghệ, thị trường, cải cách hành chính và tư pháp…
Quý I: Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 9,6% Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, năm 2013, có 60.737 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, tăng 11,9% so với 2012. Trong quý I/2014, có thêm 16.745 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kì 2013. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, giai đoạn 2011 - 2013, số doanh nghiệp thành lập mới chiếm 40,9% so với giai đoạn 20 năm từ 1991 - 2010. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng liên tục bị ngắt quãng kể từ năm 2012 khi nền kinh tế khó khăn; số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 83.600 doanh nghiệp năm 2010 xuống còn 77.500 doanh nghiệp năm 2011, tiếp đó giảm sâu xuống còn 69.800 doanh nghiệp năm 2012. Như vậy, trog 2 năm, số lượng doanh nghiệp giảm lên tới 13.800. |
Thảo Nguyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận