Tàu trăm tỷ cũng bị bão đánh chìm
Vào điểm trú tránh từ trước, song sức gió cơn bão số 3 Yagi quá lớn khiến nhiều tàu neo đậu ở Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Hạ Long, Quảng Ninh, cũng như khu vực Gia Luận, Cát Bà, Hải Phòng bị đánh chìm hoặc hư hại nặng. Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hàng trăm du thuyền, tàu bè tại Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau.
Thông tin từ một số hướng dẫn viên hoạt động tại vịnh Lan Hạ, có 1 du thuyền biển đăng ký "tứ quý" và 1 tàu gỗ bị chìm. Chiếc tàu ngủ 21 cabin hạng sang có giá đóng mới ước tính cả trăm tỷ đồng, còn chiếc tàu gỗ có giá khoảng 2 tỷ đồng. Việc trục vớt chiếc tàu gỗ có thể chỉ tốn kém khoảng 200 triệu đồng, nhưng chủ sở hữu du thuyền phải tốn kém vài chục tỷ đồng để làm lại toàn bộ nội thất.
Một chiếc khác, theo lời người quản lý tàu tại vịnh Hạ Long cho biết, đó là tàu Victory Star Cruise (nhưng chưa được chính quyền kiểm chứng). Nếu đúng là chiếc tàu ngủ 5 sao có 32 cabin, giám đốc một công ty du lịch nhận định chủ tàu sẽ phải mất từ vài chục tỷ đồng để trục vớt, khắc phục. Chi phí có thể lớn hơn tùy thuộc vào việc thay thế nội thất, nhưng cũng sẽ được bảo hiểm hỗ trợ. Thời gian để lên đà của chiếc tàu này cũng phải mất khoảng một năm mới sửa chữa xong.
Trong khi đó, ông Phạm Hà - CEO Lux Group thông tin, doanh nghiệp bị chìm 2 chiếc tàu cao tốc (thường được dùng để đưa khách từ bến cảng lên tàu mẹ và ngược lại) và hỏng ngoại thất 2 chiếc tàu ngủ hạng sang Heritage Bình Chuẩn và Emperor Cruises. Chi phí sửa chữa cho các hạng mục trên hết khoảng 5 tỷ đồng. Công ty sẽ được bảo hiểm hỗ trợ chi trả một phần.
Tuy nhiên, theo ông Hà, công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, sóng điện thoại di động chập chờn. Việc liên lạc ngay ở Tuần Châu với nhân viên trên tàu neo đậu tại Gia Luận cũng không dễ dàng, dù chỉ cách nhau khoảng 3km. Phải chờ vài ngày nữa Lux Group mới trục vớt được 2 tàu cao tốc lên, sửa chữa máy móc, vệ sinh nội thất, rồi mới đưa trở lại hoạt động được.
Tập đoàn Việt Thuận - chủ sở hữu 2 du thuyền Grand Pioneers, bị hỏng 1 xuồng cao tốc. Chi phí sửa chữa ước tính khoảng 100 triệu đồng. Du thuyền Rita Cruise cũng bị bão Yagi bốc mất một phần mái và hỏng cửa kính một số phòng ngủ. Để khắc phục các hạng mục trên cũng phải tốn kém hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Đức Hoàng - Giám đốc công ty Minh Hoàng Tourist với 3 chiếc tàu du lịch hoạt động ở cả vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ cho biết, có khoảng hơn 20 tàu bị hư hỏng nặng. Phải chờ đến lúc Cảng vụ cho phép hoạt động trở lại các chủ tàu mới tiến hành các biện pháp khắc phục, sửa chữa.
Các tàu này là loại tàu tiếng, hoạt động chủ yếu theo tuyến 1, tham quan hành trình Động Thiên Cung - hang Đầu Gỗ - hòn Chó Đá - hòn Đỉnh Hương - khu vực Ba Hang - hòn Trống Mái. Anh Hoàng tiết lộ, giá đóng mới cho mỗi chiếc tàu này rơi vào khoảng 4-7 tỷ đồng. Để các tàu có thể hoạt động trở lại, chủ tàu phải thuê kéo khỏi nơi mắc cạn, sau đó đưa lên đà sửa chữa. Mỗi tàu ước tính phải mất vài trăm triệu đồng mới có thể hoạt động trở lại.
May mắn hơn so với một số công ty du lịch khác, 3 tàu của anh Hoàng chỉ bị hư hỏng nhẹ như móp méo một số chỗ ở vỏ, vỡ các cửa kính. Tổng chi phí công ty Minh Hoàng Tourist dự kiến phải bỏ ra để sửa chữa khoảng 100 triệu đồng. Công việc này mất khoảng 3-5 ngày.
Thiệt hại hàng chục tỷ vì phải ngừng hoạt động
Chủ của một công ty sở hữu những du thuyền đẳng cấp nhất hoạt động tại vịnh Lan Hạ cho biết, 2 tàu của ông chỉ bị hư hỏng cửa kính xung quanh và chi phí sửa chữa khoảng vài trăm triệu đồng. Dù vậy, việc không thể đón khách kể từ ngày có lệnh cấm xuất bến 6/9 cho đến khi hoạt động trở lại (dự kiến Cảng vụ cho xuất bến vào hôm nay 10/9) khiến công ty thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Cặp du thuyền của ông chủ này đều thuộc hạng 5 sao, 6 sao. Mỗi hành khách phải chi từ 6-18 triệu đồng/đêm. Trung bình bộ đôi du thuyền đón từ 30 đến 60 khách/ngày, phần lớn là khách quốc tế.
Tập đoàn du thuyền Pelican sở hữu 8 tàu ngủ với khoảng 87 phòng, mỗi ngày đón từ 120 đến 160 khách. Giá tour cho mỗi khách ngủ của đơn vị này từ 3,5-8,5 triệu đồng/khách/đêm tùy hạng phòng. Ngay khi có thông tin báo bão Yagi sắp về, Chủ tịch HĐQT Đoàn Duy Phú đã cho tàu dừng chạy từ ngày 5/9 đến nay. Việc hoàn, hủy đều thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện vì xảy ra thiên tai.
Theo CEO Phạm Hà, du thuyền của Lux Group đang lên kế hoạch đón đoàn khách đầu tiên vào ngày 15/9, nhưng đội tàu chỉ có thể hoạt động đầy đủ vào ngày 25/9.
"Với những cơn bão như Yagi, chính quyền cần tuyên bố thảm họa thiên tai, sau đó dồn toàn lực khôi phục cảnh quan Vịnh Hạ Long, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Việt Nam cũng cần khẩn cấp cho sử dụng kết nối internet vệ tinh trong thiên tai, bởi những ngày vừa qua khu vực Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ đều mất tín hiệu liên lạc, không chỉ đạo khắc phục, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được", ông Phạm Hà đề xuất.
Để nắm được cụ thể những thiệt hại tại vịnh Hạ Long vì bão Yagi, PV Báo Giao thông đã liên hệ với ông Nguyễn Lâm Nguyên - Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh. Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết sở hiện chưa có báo cáo từ các bên liên quan và đang ưu tiên tập trung khắc phục hậu quả. Dự kiến hôm nay có thể có những con số về thiệt hại đối với các công ty du lịch hoạt động tại vịnh Hạ Long.
Trong khi đó, liên lạc ở khu vực vịnh Lan Hạ chưa nối lại suốt những ngày diễn ra bão Yagi, vì thị trấn Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng gần như bị cô lập hoàn toàn. Từ chiều 8/9, một số người dân tại Cát Bà phải di chuyển đến khu vực phà Viềng, xã Phù Long mới có sóng điện thoại di động để gọi cho người thân.
Cho đến sáng nay (10/9) thông tin liên lạc tại Cát Bà vẫn hạn chế vì đa số các cột phát sóng ở khu vực này đều bị đổ gục, cáp viễn thông bị đứt nằm vắt ngang một số con đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận