Thị trường

Các doanh nghiệp ở miền Tây đang "bứt tốc" sau đại dịch thế nào?

17/02/2022, 14:07

Không chỉ tạo ra công ăn việc làm, sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế đồng bằng “bứt tốc” sau đại dịch.

Hàng ngàn vị trí tuyển dụng, đãi ngộ sau Tết

Vùng ĐBSCL có khoảng 10 triệu lao động, chiếm khoảng 59% dân số vùng. Nơi đây đang có nguồn lao động tiềm năng tương đối dồi dào với so với các khu vực khác.

img

Hoạt động tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ.

Những năm qua, một lượng lớn lao động ở ĐBSCL đã đi làm việc tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm ngàn lao động đã tự phát về quê, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn lao động khi các địa phương này tái sản xuất trở lại.

Ghi nhận tại Cần Thơ, sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời điểm sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã phục hồi sản xuất, tăng xuất khẩu hàng hóa và có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Nhờ đó, thị trường lao động có nhiều tín hiệu tích cực. Đây là cơ hội để người lao động có thể lựa chọn ngành nghề và tìm được việc làm tại chỗ, phù hợp với năng lực của mình.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ, nơi đây cần tuyển 6.676 vị trí việc làm trống. Trung tâm đã kết nối việc làm cho 1.755 lượt lao động và hiện còn lại 4.921 vị trí cần tuyển.

Nhóm ngành nghề cần tuyển gấp bao gồm nhóm lao động phổ thông, như sản xuất may mặc, giày da, sản xuất kinh doanh nhựa, sản xuất chế biến thực phẩm… Mức thu nhập của lao động phổ thông từ 5-13 triệu/tháng/người, tùy năng suất lao động…

Ông Bùi Công Thành, Trưởng Nhóm tuyển dụng Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ, cho biết: "Công ty đang tích cực tuyển dụng hàng ngàn lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất trong năm 2022".

Mức lương dao động từ 6-7,7 triệu đồng/người/tháng cùng nhiều chế độ, chính sách phúc lợi khác, như thưởng Tết 150% lương; tặng quà người lao động vào các ngày lễ, sinh nhật; phép năm có 12-14 ngày; được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm…

“Hiện nay, công ty đang phục hồi sản xuất ổn định sau dịch Covid-19; đồng thời mở rộng thêm nhiều nhà xưởng nên có nhu cầu tuyển dụng 15.000 lao động trong năm 2022.

Để giải quyết việc “khát” nhân lực, công ty đã và đang sử dụng tất cả các kênh tuyển dụng, nhất là gửi thông tin về Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ để tìm kiếm lao động”, ông Thành nói.

Theo bà Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch LÐLÐ TP Cần Thơ, khoảng 96% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hoạt động trở lại, không có tình trạng thiếu hụt lao động, gây ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh.

Tỷ lệ người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp khá cao là tín hiệu đáng mừng để các đơn vị đảm bảo nguồn lực, tiếp tục khôi phục sản xuất sau những ảnh hưởng của đại dịch.

Còn tại Trà Vinh, theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đến nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp tại Khu kinh tế Định An, Khu công nghiệp Long Đức đi vào hoạt động sản xuất, với tổng số 15.600 công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, đạt tỷ lệ 100% số công nhân làm việc của mỗi doanh nghiệp…

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho hay: Từ tháng 12/2021, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh 100%.

Nếu như trước dịch có 41.000 lao động, thì đến tháng 12/2021, tổng số lao động tăng lên 46.000 lao động, tăng lên 5.000 lao động, nguồn lao động này do thành phố “chiêu mộ”, thu hút từ các tỉnh khác.

Ðể đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tỷ lệ tiêm ngừa cho lao động trong khu công nghiệp đến nay đã đạt 100% mũi 2 và 60% tiêm mũi tăng cường, mũi 3.

img

Tiêm vaccine cho công nhân, lao động ở ĐBSCL.

Ðặc biệt, đã có doanh nghiệp khôi phục đến 120% công suất hoạt động. Nhu cầu lao động năm 2022 của doanh nghiệp may mặc, da giày dự kiến khoảng 20.000 lao động; xuất khẩu thủy sản khoảng 10.000 lao động.

Ðể chuẩn bị cho năm 2022, Ban đang kết hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các quận, huyện và các tỉnh lân cận mở chợ lao động để tuyển dụng lao động cho từng loại hình doanh nghiệp, có chính sách thu hút lao động kịp thời phục vụ sản xuất năm 2022…

Ông Phạm Văn Tám - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công thương trong tỉnh đạt trên 32.015 tỷ đồng, đạt 70,92% kế hoạch.

Trong đó, ngành điện đóng góp 18.922 tỷ đồng, chiếm 59,33% tổng giá trị sản xuất công nghiệp chung toàn tỉnh và một số sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ.

Tỉnh đã triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đưa vào vận hành Tổ máy 1 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2, có 5 dự án điện gió, Nhà máy chế biến thủy sản Thông Thuận, Công ty TNHH sản xuất thương mại Bảo Tiên, Thái Bình Group - Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (cũ)…

Các đường dây trung thế, hạ thế điện cũng đã đưa vào vận hành, góp phần tăng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,25%, vượt 0,05% so kế hoạch.

Theo ông Phạm Văn Tám, để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu năm 2022, ngành Công thương tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã và đang trên địa bàn tỉnh sớm khởi công và đi vào hoạt động.

Có thể kể như các dự án điện gió đã được phê duyệt; nhà máy sản xuất Hydro xanh; dự án kho xăng dầu, cảng Định An; hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp…

Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh Trà Vinh từ nay đến năm 2025. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng, thích ứng trong tình hình mới…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.