Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đối tác bên lề Hội nghị về Đồng bằng sông Cửu Long.
Sáng 13/3, bên lề Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại biểu quốc tế dự Hội nghị (các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế).
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đầu tư FDI
Cảm ơn các đại biểu quốc tế dự Hội nghị về ĐBSCL, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự hợp tác của các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế là rất quan trọng. “Chúng tôi đã nghiên cứu một số vùng đồng bằng của các nước châu Âu và nhiều nơi; tìm hiểu các mô hình, cách làm, bài học của nhiều nước trên thế giới”, Thủ tướng nói. Cho nên, không chỉ hợp tác về kinh tế mà hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu ở các vùng đồng bằng cũng rất quan trọng.
Nhấn mạnh vai trò của nguồn lực đối với phát triển ĐBSCL trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, Thủ tướng mong muốn “các nước đối tác, tổ chức quốc tế sẽ quan tâm cùng Việt Nam tạo nguồn lực mới từ hợp tác của chúng ta”. Bởi dư địa để huy động nguồn vay từ bên ngoài còn lớn khi 5 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực giảm tỉ lệ nợ công từ 64,8% xuống còn 55% GDP.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đầu tư FDI và công nghiệp chế biến sâu để gia tăng giá trị của các sản phẩm vùng ĐBSCL là vấn đề cần quan tâm. Vấn đề nữa là hợp tác quốc tế bảo vệ các dòng sông, nhất là vùng hạ du, không chỉ cho Việt Nam mà những nước trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi thượng nguồn. “Vai trò quốc tế trong bảo vệ dòng sông xuyên quốc gia rất quan trọng”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến, đẩy mạnh hợp tác trong quá trình phát triển, đặc biệt là kinh nghiệm, bài học quý từ các nước.
Sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ Việt Nam
Đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120 và kết quả mà Nghị quyết này mang lại cũng như việc tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Phát triển Pháp (AFD) cho rằng, các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan có nhiều kinh nghiệm về ứng phó biến đổi khí hậu. “Chúng tôi ủng hộ sáng kiến về quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL, sẽ luôn sát cánh với các bạn trong triển khai sáng kiến này”.
“Chúng tôi đã gửi thư tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hỗ trợ tài chính giúp Việt Nam vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu”, bà Simone Wunsch, đại diện Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) nói.
Đại diện cho Đại sứ quán Hà Lan, ông Laurent Umans cho biết, Thủ tướng Hà Lan có thư cảm ơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đã có thông điệp tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với Biến đổi khí hậu.
“Bài phát biểu này không chỉ đại diện cho lãnh đạo Việt Nam mà còn đại diện cho lãnh đạo thế giới. Việt Nam đã học hỏi nhiều kinh nghiệm của Hà Lan về phát triển vùng đồng bằng châu thổ nhưng có những việc chúng tôi tốn mất 10 năm thực hiện thì Việt Nam đạt được kết quả chỉ trong vòng 4 năm", ông Laurent Umans nói và cho biết, Hội nghị lần này đánh dấu sự chuyển đổi từ việc Việt Nam học tập kinh nghiệm từ Hà Lan thành Hà Lan sẽ phải học tập kinh nghiệm từ Việt Nam, làm thế nào đẩy nhanh thực hiện các sáng kiến và đạt được kết quả.
Tận dụng tối đa sự ủng hộ
Đại diện Đại sứ quán Australia khẳng định, bảo vệ ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á–Thái Bình Dương và thế giới. Tháng 11/2020, Thủ tướng Australia đã tuyên bố cam kết dành một khoản hơn 230 triệu USD cho hợp tác Mekong-Australia trong đó có lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác với Việt Nam và quan hệ đối tác với Ngân hàng Thế giới để chúng ta có thể triển khai thành công các dự án này”, đại diện Đại sứ quán Australia nói.
Đại diện Đại sứ quán Italy bày tỏ ấn tượng với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về quản lý, phát triển bền vững ĐBSCL. “Đúng là thuận thiên là cách duy nhất để phát triển bền vững, điều này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị hôm nay. Là nước tổ chức Hội nghị COP26, Italy cảm ơn những đóng góp, cam kết của Việt Nam đối với việc giảm phát thải khí nhà kính", đại diện Đại sứ quán Italy cho biết.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho rằng, trước sự cam kết, ủng hộ từ các đối tác, những người bạn của Việt Nam hôm nay, thì việc tận dụng tối đa sự ủng hộ này chính là phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSLC. Cần có cơ chế tài chính đủ mạnh để chuyển hóa hiệu quả dòng tài chính thành các dự án đầu tư.
Đây là khoản tài chính rất lớn, nên cần có sự điều phối tốt, “không để mỗi địa phương triển khai một cách riêng lẻ, ví dụ như để các địa phương tự triển khai thì chúng ta sẽ xây một con đường ở Sóc Trăng, một con đường ở Bạc Liêu nhưng không có đường ở Trà Vinh chẳng hạn”.“Nếu không có sự liên kết phát triển thì sẽ không đi đến đâu”, bà Carolyn Turk nói và khẳng định cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong triển khai quy hoạch tổng thể này.
Cảm ơn các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, điều này sẽ đóng góp tốt vào chương trình phát triển ĐBSCL; bày tỏ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế ngày càng tốt đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Johnathan Hạnh Nguyễn- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Johnathan Hạnh Nguyễn- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).
Ghi nhận một số đề xuất của ông Johnathan Hạnh Nguyễn về việc đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là việc đầu tư phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, ngành dịch vụ là một mũi nhọn phát triển của Việt Nam.
Chính phủ luôn quan tâm đến đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, tìm động lực mới để phát triển đất nước, hiện thực hóa mục tiêu 2045.
Trước xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để đón dòng vốn này, thu hút thêm các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận