Thế giới giao thông

Các hãng bay Trung Quốc đòi Boeing bồi thường gần 600 triệu USD

29/05/2019, 07:27

Hàng loạt hãng hàng không Trung Quốc bất ngờ yêu cầu hãng sản xuất máy bay của Mỹ - Boeing phải bồi thường toàn bộ thua lỗ...

img
Lễ bàn giao chiếc Boeing 737 MAX cho Air China năm 2018

Hàng loạt hãng hàng không Trung Quốc bất ngờ yêu cầu hãng sản xuất máy bay của Mỹ - Boeing phải bồi thường toàn bộ thua lỗ liên quan đến sự cố của máy bay Boeing 737 MAX. Trong khi Boeing còn chưa biết ngày có thể đưa máy bay 737 MAX quay trở lại bầu trời và càng để lâu chi phí bồi thường càng cao.

Hàng không Trung Quốc thiệt hại tới 4 tỉ NDT

China Eastern Airlines là hãng đầu tiên ra tuyên bố đòi bồi thường thiệt hại, tiếp đó là 2 hãng Air China, China Southern Airlines. Một ngày sau là 5 hãng hàng không: Shandong Airlines, Hainan Airlines, Xiamen Airlines, Shenzhen Airlines và Kunming Airlines.

Các hãng từ chối cung cấp thông tin chi tiết nhưng theo một số chuyên gia trong ngành, thiệt hại mà họ đòi bồi thường rất lớn. Hiệp hội Giao thông Hàng không Trung Quốc (CATA) ước tính, con số này có thể lên tới 4 tỉ nhân dân tệ (NDT - tương đương 579,32 triệu USD) đến cuối tháng 6.

Theo chuyên gia hàng không Trung Quốc Li Xiaojin: Nước này đã phải “đắp chiếu” 96 máy bay, tương đương 4% trong tổng số phi cơ, dẫn tới những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ông Li cho rằng, thiệt hại về kinh tế mỗi ngày ít nhất là 100.000 nhân dân tệ/ máy bay/ hãng hàng không.

Cũng theo vị chuyên gia Trung Quốc, một số chi phí khác ảnh hưởng từ việc không thể sử dụng máy bay cũng không hề nhỏ. Chẳng hạn, tỉ lệ tăng trưởng hành khách qua các sân bay lớn của Trung Quốc trong tháng 3 và tháng 4 đã bị chậm lại vì sự cố 737 MAX.

Theo một nguồn tin nội bộ: “Thiệt hại còn bao gồm phí bảo trì, chi phí thuê trong suốt thời gian máy bay tạm ngừng hoạt động”. Một nguồn tin khác giấu tên tiết lộ, Air China còn muốn Boeing bồi thường vì chậm trễ giao máy bay. CATA cho biết, nước này đã dự kiến nhận hơn 130 máy bay trong năm nay nên “thời gian chậm trễ càng lâu, thiệt hại sẽ càng nặng”.

Quốc gia tỷ dân chính là nước đầu tiên trên thế giới đình chỉ, không sử dụng toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX trên toàn cầu sau vụ tai nạn tại Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng hồi tháng 3 vừa qua. Đây là vụ tai nạn chết người thứ 2 xảy ra với dòng máy bay mới nhất và bán chạy hàng đầu của Boeing.

Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: Các hãng hàng không nước này không chỉ dừng lại ở phàn nàn mà sẽ làm tới cùng để “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, phù hợp với pháp luật”. Theo hãng tin Bloomberg, 3 hãng hàng không lớn tại đất nước tỷ dân đang xem xét khả năng “bắt tay” với nhau để cùng đòi bồi thường.

Hiệp hội CATA - đại diện cho 41 hãng hàng không Trung Quốc cho hay: “Chúng tôi chân thành hy vọng Boeing sẽ nghiêm túc xem xét yêu cầu bồi thường từ các công ty thành viên và đưa ra giải pháp hợp lý, hợp pháp. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến và cung cấp hỗ trợ cần thiết, đắc lực với các yêu cầu từ các công ty thành viên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Ngoài Bắc Kinh, rất nhiều hãng hàng không của các nước khác cũng yêu cầu Boeing phải bồi thường như: Turkish Airlines, United Airlines, Ryanair và Flydubai.

img
Lễ bàn giao chiếc Boeing 737 MAX cho Air China năm 2018

Boeing 737 MAX còn chưa rõ số phận

Trong khi đó, Boeing còn chưa biết ngày nào sẽ được cấp phép đưa dòng máy bay bán chạy nhất hiện tại - 737 MAX quay trở lại bầu trời. Trong cuộc họp riêng giữa đại diện Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), giới chức Boeing và các thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về vấn đề 737 MAX được tổ chức ở Montreal, FAA mới chỉ đưa ra khung thời gian sớm nhất vào cuối tháng 6 tới mà không nêu chính xác ngày. FAA cảnh báo không có khung thời gian để đưa dòng máy bay bán chạy nhất hiện nay quay trở lại bầu trời.

Nếu đúng vào thời điểm này thì các hãng hàng không Mỹ sẽ không phải kéo dài thời hạn dừng bay đối với 737 MAX vốn rất tốn kém. Tuy nhiên, bất kể quyết định của FAA thế nào, Boeing 737 chưa được phép bay tại các nước khác ngoài Mỹ. Tại Trung Quốc, Canada và châu Âu, các cơ quan chức năng tuyên bố sẽ xem xét việc cấp phép cho dòng máy bay này quay trở lại bầu trời theo điều kiện của riêng họ.

Cho đến cuối tuần qua, FAA vẫn chưa nhận được kế hoạch nâng cấp phần mềm MCAS trên 737 MAX - nguyên nhân mà nhà sản xuất máy bay của Mỹ cho rằng, có liên quan tới 2 vụ tai nạn thảm khốc vừa qua.

Về phần Boeing, trước đó, họ khẳng định đã hoàn tất bản cập nhật phần mềm MCAS vốn được Boeing đưa vào mẫu 737 MAX để ngăn ngừa nguy cơ máy bay mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm và mũi máy bay lại hướng lên quá cao, gây mất lực nâng. Phần mềm này được cho là nguyên nhân gây ra tai nạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.