Xã hội

Các hội mỗi năm tiêu 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách

09/09/2016, 07:32

Kinh phí dành cho các hội theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế năm 2016 là 14.000 tỷ.

6

Năm 2016, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiêu 112 tỷ tiền ngân sách

Đó là quan điểm được TS. Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật đưa ra khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật về Hội được trình xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách chiều 8/9.

Hàng chục nghìn tỷ ngân sách chi cho hoạt động của các Hội

Đặt câu hỏi đầu tiên về việc Luật về Hội ra đời là để đảm bảo quyền lập hội của người dân hay để quản lý kiểm soát quyền lập hội, TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng, phải đạt được cả hai mục đích trên mới có hiệu quả.

Theo ông, các tổ chức do Đảng, Nhà nước thành lập, gọi là các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp đang có vấn đề lớn phải giải quyết, hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả và rất hình thức.

“Khiếm khuyết nữa là các tổ chức này tiêu xài ngân sách nhà nước không minh bạch và rất khó kiểm soát. Kinh phí dành cho khối này theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (Đại học Quốc gia) năm 2016 là 14.000 tỷ; riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là 112 tỷ trong năm 2016; tính cả tài sản của các tổ chức này là 68.000 tỷ, chiếm 1,7% GDP, chưa kể nguồn lực công tác cán bộ”, ông Giao thông tin và cho rằng, Đảng rất đúng khi có nghị quyết, văn bản nói rõ là giữ ổn định biên chế đến hết năm 2016, từ năm 2017 thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo ông Giao, đã là chủ trương xóa bỏ dần bao cấp với tổ chức chính trị xã hội, đặc thù, để họ tự lo thì phải có cơ chế để họ tự sống, không bám vào “bầu sữa” ngân sách, ví dụ như trao quyền tự gây quỹ; Nhận nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cho rằng, trong tình hình ngân sách khó khăn, chúng ta không thể bao cấp mãi cho các hội hoạt được mà Nhà nước chỉ nên hỗ trợ hoặc đảm bảo kinh phí cho các hoạt động mà Nhà nước giao chứ không cấp kinh phí một cách tràn lan.

Công chức tham gia Hội là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại lại bày tỏ thái độ không hài lòng khi ông đã từng có ý kiến với Dự án Luật này từ lần đầu tiên đưa ra thảo luận tại Thường vụ Quốc hội khoá XIII, nhưng đến nay những vấn đề khúc mắc vẫn cứ “treo” ở đó.

“Quy định trong dự thảo còn lằng nhằng, mù mờ, không biết tổ chức phi chính phủ, hội, quỹ thì cái nào trong cái nào. Rồi luật điều chỉnh tổ chức phi Chính phủ nước ngoài nhưng của trong nước lại không, nhiều quy định không thống nhất cách hiểu trong toàn bộ luật dẫn đến luật có ra đời cũng khó điều chỉnh. Xuất phát từ khái niệm mập mờ về Hội nên việc cho cán bộ công chức tham gia Hội cũng không được quy định. Cán bộ công chức là người của Chính phủ nhưng lại tham gia các tổ chức phi Chính phủ, tôi rất không đồng tình quan điểm này”, ông Cương nêu ý kiến.

Ông Cương đề nghị đưa vào Dự thảo Luật, nếu Thủ trưởng, người quản lý cho phép thì có thể tham gia, bởi việc tham gia Hội có thể còn ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính công chức đó. “Ví dụ như anh làm ở Bộ Công thương, cấp phép cho phân bón nhưng anh lại tham gia Hiệp hội Phân bón, như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi, không hợp lý chút nào. Hay làm ở ngân hàng lại tham gia Hiệp hội Kinh doanh vàng thì hoà cả làng”, ông Cương nhấn mạnh.

Nên cấm những lễ hội đâm chém, bạo lực

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo được trình sáng cùng ngày, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, luật cần quy định thêm các hành vi bị cấm là lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo dẫn đến kích động bạo lực, xâm hại động vật tàn bạo, mê tín dị đoan, gây phản cảm, bức xúc. “Những lễ hội như chém lợn, đâm trâu, chọi trâu..., có thể có truyền thống hàng nghìn năm nhưng hiện trở thành mông muội trong một thế giới đã văn minh, nhân văn hơn”, bà Khánh nêu quan điểm.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu bức xúc về việc đốt vàng mã quá nhiều, gây ô nhiễm, lãng phí, ảnh hưởng cả đến giao thông, xả rác tràn lan... không được quản lý. Ông Phương kiến nghị giải pháp đánh thuế cao mặt hàng vàng mã.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.