Các ngân hàng phải thường xuyên cập nhật, thông báo các thủ đoạn trộm cắp tiền từ ATM. (Ảnh minh họa) |
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư số 44/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM). Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/2/2019.
Thông tư quy định các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM và các tổ chức liên quan trong việc bảo đảm hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt. Phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động ATM, điều tra, xử lý khi phát hiện tội phạm công nghệ cao, trộm cắp, cướp, phá hoại ATM.
Các ngân hàng phải thường xuyên cập nhật, thông báo các thủ đoạn trộm cắp tiền từ ATM và hướng dẫn khách hàng biện pháp giao dịch an toàn tại ATM như niêm yết nơi đặt ATM, trên màn hình máy ATM hoặc các hình thức khác.
Để bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, các ngân hàng cần bố trí lực lượng trực nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động. Trường hợp ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải báo cáo theo quy định, thông báo rộng rãi cho khách hàng biết…
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt ngân hàng thương mại đã tiếp tục cảnh báo khách hàng về biện pháp phòng tránh rủi ro, lừa đảo khi giao dịch trực tuyến. Cụ thể, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin tài khoản ATM, bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp...) để tránh bị lợi dụng, đánh cắp thông tin tài khoản và mất tiền oan.
25 triệu thẻ ATM phải chuyển đổi sang thẻ chíp
Cũng tại thông tư này, Ngân hàng Nhà nước công bố bổ sung quy định tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, là Bộ Tiêu chuẩn cơ sở của Ngân hàng Nhà nước về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc tại Việt Nam và yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip không tiếp xúc tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip.
Từ nay đến 31/12/2019, ít nhất 30% số thẻ có PIN ( mã riêng cho Ngân hàng Nhà nước cấp cho thẻ của các ngân hàng) đang lưu hành phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Như vậy, có trên 25 triệu thẻ ATM trong khoảng hơn 85 triệu thẻ ATM đang lưu hành sẽ phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang thẻ chip.
Từ 30/12/2019 đến cuối năm 2020, ít nhất 60% số thẻ tương đương hơn 51 triệu thẻ ATM phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang thẻ chip. Và hạn chót chuyển đổi toàn bộ số lượng thẻ ATM đang lưu hành trên thị trường từ thẻ từ sang thẻ chip của các ngân hàng thương mại là cuối năm 2021.
Vối với hệ thống ATM, đến ngày 31/12/2019, ít nhất 35% máy ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại điểm bán đang hoạt động ở Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đến cuối năm 2020, toàn bộ hệ thống ATM và máy POS phải đáp ứng quy định về Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, nhằm bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, ổn định.
Trong quá trình chuyển đổi, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ phải bảo đảm hoạt động thẻ ATM diễn ra liên tục, ổn định, an toàn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận