Hỏi - Đáp

Các nghệ sỹ không chiếm đoạt tiền từ thiện: Người tố cáo có bị xử lý?

24/01/2022, 14:35

Các luật sư cho rằng, trong vụ tố cáo nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện thì quyết định không khởi tố người này có thể là cơ sở để khởi tố người khác

Đủ căn cứ sẽ xử lý tội vu khống?

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an có thông báo, kết luận những nghệ sĩ như: ca sĩ Thuỷ Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Trần Thành, MC Đại Nghĩa, bà Nguyễn Thị Hương (mẹ của ca sĩ Hồ Ngọc Hà) không có dấu hiệu gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt năm 2020.

Do nội dung các tin báo, tố giác không có dấu hiệu tội phạm, không có sự việc phạm tội, nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định này.

img

Bộ Công an khẳng định ca sĩ Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành... không chiếm đoạt tiền từ thiện

Sau khi thông tin này đăng tải, nhiều người thắc mắc, trong vụ việc này, những người tố giác nghệ sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Đại Nghĩa và bà Nguyễn Thị Hương có bị xử lý không? Nếu bị xử lý thì áp dụng quy định pháp luật nào?

Luận bàn về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, tố giác tội phạm là quyền của công dân.

Nhưng nếu tố giác sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị tố giác thì người tố giác phải chịu trách nhiệm. Bởi Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định "danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Nếu cá nhân, tổ chức bị tố cáo thấy mình bị tố cáo sai, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và gây thiệt hại... thì có thể đề nghị cơ quan chức năng xử lý người có hành vi vi phạm, thậm chí yêu cầu người có hành vi tố cáo sai bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại có thể đòi bồi thường gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

"Người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội vu khống", luật sư Hậu phân tích.

Hình phạt quy định tại Điều 156 tội vu khống là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm và có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.

Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, thì theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, người tố giác sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ, về hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân".

img

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Tuy nhiên, luật sư Hậu cho biết, trong vụ việc này, để xử lý được người tố giác các nghệ sĩ này thì người bị hại (các nghệ sĩ) phải có đơn yêu cầu xử lý những người tố cao sai sự thật về bản thân mình. Đồng thời, các nghệ sĩ và cơ quan chức năng cần phải chứng minh hành vi tố cáo của một số ca nhân này là cố ý, nhằm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín gây thiệt hại về vật chất và tinh thần.

"Những thiệt hại về tinh thần và vất chất phải được chứng minh thì mới có cơ sở để xử lý người vu khống. Quan trọng hơn nữa là trong sự việc này phải chứng minh được người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự của các nghệ sĩ thì mới đủ để xem xét xử lý", luật sư Hậu phân tích.

img

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội

Không khởi tố vụ án hình sự chưa chắc là quyết định cuối cùng

Cũng luận bàn về nội dung này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, khi có đơn thư trình báo tố giác tội phạm của tổ chức, cá nhân thì cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo và tiến hành kiểm tra xác minh tin báo theo quy định pháp luật. Thời hạn xác minh tin báo không quá 4 tháng, không tính thời hạn tạm đình chỉ trong quá trình xác minh.

Kết thúc quá trình xác minh, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì người tố cáo, tố giác có quyền khiếu nại đối với quyết định này đến thủ trưởng cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết. Trong trường hợp thủ trưởng cơ quan điều tra không đồng ý thay đổi quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì người khiếu nại được quyền tiếp tục khiếu nại lần 2 sang viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp để được xem xét giải quyết.

Nếu trong quá trình giải quyết khiếu nại mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự không đúng pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì có thể hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự để khởi tố vụ án hình sự theo quy định pháp luật.

Bởi vậy, trong vụ việc trên, luật sư Cường cho rằng, những người tố cáo, tố giác có quyền khiếu nại đối với quyết định này đến thủ trưởng cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Trường hợp thủ trưởng cơ quan điều tra xác minh và vẫn giữ nguyên kết quả giải quyết tin báo thì những người tố cáo tố giác được quyền khiếu nại sang viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp để được xem xét giải quyết.

Trường hợp viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cùng cấp vẫn giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì vụ việc kết thúc, trừ trường hợp người tố cáo có các chứng cứ mới để chứng minh sai phạm của người bị tố cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.