Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cho quân đội chuẩn bị điều động các máy bay và tàu chiến bất cứ lúc nào khi được thông báo để sẵn sàng di tản hàng ngàn công nhân Philippines tại Iran và Iraq nếu bạo động bùng nổ.
Động thái của chính quyền Philippines phản ánh những lo ngại ngày càng tăng của châu Á về những công dân của họ trong tình trạng ngày càng căng thẳng ởTrung Đông.
Các quốc gia châu Á khác với số lượng công nhân xuất khẩu lao động cao có thể phải đối mặt với quyết định tương tự giữa những căng thẳng leo thang nhanh chóng giữa Mỹ và Iran tiếp sau vụ không kích của Mỹ tuần trước giết chết tướng Iran Qassem Soleimani tại một sân bay ở Baghdad.
Trong khi đó, các bộ ban ngành của chính phủ Hàn Quốc đã thảo luận về việc tăng cường bảo vệ cho gần 1.900 người Hàn Quốc tại Iraq và Iran.
Gần đây, Iran thề sẽ trả thù sau vụ Mỹ không kích hạ sát tư lệnh lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, Tướng Soleimani, hôm 3/1 và Tổng thống Donald Trump cảnh báo là các lực lượng Mỹ sẽ tấn công 52 mục tiêu tại Iran nếu người Mỹ bị tấn công.
Quốc hội Iraq cũng đã chính thức kêu gọi trục xuất tất cả binh sĩ Mỹ tại Iraq. Việc này có thể làm sống lại Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq khiến cho Trung Đông trở thành nguy hiểm hơn và bất ổn hơn.
Một số nước khác cũng đối mặt với trường hợp tương tự. Châu Á chiếm 40% di dân trên thế giới, và các nước Trung Đông là nơi đến thường xuyên của những người này. Người di cư châu Phi cũng có việc làm tại Trung Đông dù khả năng các nước này di tản công dân của họ không được đảm bảo.
Các nước Ả Rập ở vùng Vịnh là nơi làm việc của hơn 7 triệu người Ấn Độ giúp đẩy mạnh nền kinh tế của khu vực và cung cấp nhân lực dồi dào cho các thành phố ở đây.
Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), người Ấn Độ nhiều hơn người dân nước này với tỉ số 3/1.
Quốc tế kêu gọi Mỹ và Iran kiềm chế
Theo truyền thông Nhật Bản, cộng đồng quốc tế kêu gọi Mỹ và Iran kiềm chế, sau khi Tehran thề trả thù việc Washington sát hại chỉ huy quân sự cấp cao.
Lễ tang tướng Qassem Soleimani được tổ chức trên khắp Iran trong vòng 3 ngày, sau khi ông thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq.
Tại lễ tang ở thủ đô Tehran, lãnh tụ tối cao của Iran, Giáo chủ Ali Khamenei vừa khóc vừa cầu nguyện trước đám đông người đi viếng.
Dự kiến trong ngày hôm nay 7/1, thi thể tướng Soleimani sẽ được chôn ở tỉnh Kerman quê nhà ông ở Đông Nam Iran. Việc chôn cất sẽ đánh dấu kết thúc 3 ngày để tang theo lời tuyên bố của Đại giáo chủ Khamenei.
Truyền thông Iran dẫn lời ông Ali Akbar Velayati, cố vấn chính sách ngoại giao cho lãnh tụ tối cao, nói rằng người Mỹ cần phải rời khỏi khu vực này, nếu không sẽ phải chịu hậu quả tồi tệ hơn từng xảy ra Việt Nam.
Cuối tuần qua, nhiều rocket đã rơi xuống gần Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Quân đội Mỹ và các đại sứ quán khác của Mỹ trong khu vực đang cảnh giác cao độ. Hoa Kỳ cũng đã tăng quân bị đến Trung Đông để sẵn sàng hành động khi có biến động.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các lãnh đạo kiềm chế hết sức, nhưng không trực tiếp nhắc tên Mỹ hay Iran. Ông kêu gọi các nước có biện pháp hạ nhiệt căng thẳng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận