Đây được coi là “vũ khí” trừng phạt về tài chính mạnh nhất nhằm vào Moscow mà các phương Tây đã đắn đo cân nhắc rất nhiều trước khi công bố kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự hiện nay ở Ukraine.
Theo người phát ngôn chính phủ Đức, gói biện pháp trừng phạt mới đã có sự nhất trí của Mỹ, Pháp, Canada, Italy, Anh và Ủy ban châu Âu. Một số ngân hàng của Nga sẽ bị loại khỏi hệ thống SWIFT nhưng không nêu rõ tên các ngân hàng.
Ngoài ra, các nước phương Tây còn hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rouble của ngân hàng trung ương Nga.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) được coi là hệ thống quan trọng của nền tài chính thế giới.
Động thái này được cho là có ảnh hưởng mạnh tới tài chính Nga đến mức Bộ trưởng Pháp từng gọi đây là “vũ khí hạt nhân về tài chính”, có thể ảnh hưởng tới thương mại của Nga và cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước này.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moscow trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.
Người phát ngôn chính phủ Đức khẳng định các nước phương Tây đã nhấn mạnh sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó lập lại trật tự hòa bình châu Âu.
Theo một số ước tính trước đó, nền kinh tế Nga có thể sụt giảm 5% nếu bị loại khỏi SWIFT.
Hãng tin Sputnik dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết, Washington cho rằng quyết định loại một số ngân hàng quan trọng của Nga ra khỏi SWIFT sẽ ngăn chặn khả năng tham gia giao dịch quốc tế của Nga.
“Nếu một trong những ngân hàng Nga không nằm trong SWIFT và muốn thực hiện hoặc nhận thanh toán bên ngoài nước nước Nga như một ngân hàng tại châu Á, họ sẽ phải sử dụng điện thoại hoặc máy fax”, vị quan chức cho biết.
Song, chính các nước trừng phạt cũng sẽ phải chịu hệ luỵ không nhỏ. Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng, biện pháp đó có thể làm gia tăng áp lực về lạm phát và phá huỷ nỗ lực tăng trưởng kinh tế của châu Âu.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật.
Hiện nay chưa có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống quan trọng của nền tài chính thế giới.
SWIFT có trụ sở tại Bỉ và do hội đồng 25 người điều hành, trong đó có Eddie Astanin, chủ tịch hội đồng quản lý tại Trung tâm Thanh toán Bù trừ Đối tác Trung ương của Nga.
SWIFT, tự mô tả là "một tiện ích trung lập", trở thành pháp nhân theo luật pháp Bỉ và phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận