Emirates Airlines - một trong ba hãng hàng không vùng Vịnh đang phát triển rất nhanhtại thị trường Mỹ. |
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) tổ chức ở Miami (Mỹ) từ 7-9/6, CEO các hãng hàng không vùng Vịnh Ba Tư như: Qatar Airways, Emirates, Etihad Airways... kêu gọi IATA can thiệp để phản đối việc nhiều hãng hàng không của Mỹ đang vận động hành lang Chính phủ, nhằm hạn chế các hãng vùng Vịnh “lấn sân ồ ạt”.
IATA không được ủy nhiệm để xử lý
Những cuộc tranh cãi ầm ĩ bắt nguồn từ cuối tháng 5, trước khi hội nghị thường niên IATA diễn ra. Giám đốc điều hành (CEO) của các Hãng hàng không American Airlines, Delta Air lines và United Airlines âm thầm gặp hai quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ - Bộ trưởng Bộ Giao thông Anthony Foxx, Bộ trưởng Bộ Thương mại Penny Pritzker nhằm vận động hành lang để Chính phủ hạn chế các hãng hàng không đối thủ đến từ Vịnh Ba Tư tiếp cận thị trường hàng không Mỹ.
Bất cứ quy định nào nhằm thu hẹp việc tiếp cận thị trường tự do và chính sách Mở rộng bầu trời đều gây ra tác động tiêu cực toàn thế giới”. Ông Akbar Al Baker, Giám đốc điều hành Qatar Airways. |
Với lý lẽ, các hãng hàng không này được Chính phủ của họ trợ cấp mạnh, ồ ạt tiến công, chiếm lĩnh các thị trường quan trọng tại Mỹ, đẩy các hãng hàng không sở tại vào thế bí. Trong tuyên bố chung, ba hãng cùng viết: “Chúng tôi hoan nghênh việc thúc đẩy cạnh tranh sẽ tạo ra sân chơi công bằng. Việc xem xét lại các thỏa thuận mở rộng bầu trời sẽ là bước đầu tiên và đúng đắn để đảm bảo sức cạnh tranh được bảo tồn và phát huy”.
Về phần mình, ba hãng Qatar, Etihad và Emirates khẳng định, họ không vi phạm thỏa thuận trong chính sách Mở rộng bầu trời. Thậm chí, Chính phủ Mỹ đối xử với họ không công bằng so với các hãng hàng không sở tại. Họ “tố cáo” hành động của ba hãng hàng không Mỹ là vô căn cứ nhằm hạn chế cạnh tranh.
Ông Tim Clark, Chủ tịch Emirates (Dubai) cho biết, hãng không nhận bất cứ trợ cấp nào từ Chính phủ Dubai. Chủ tịch Emirates cảnh báo, nếu các đối thủ lấy lý do Chính phủ trợ cấp để tấn công, rất có thể nó sẽ tạo ra tác dụng ngược vì không thiếu hãng hàng không khác trên thế giới được Chính phủ trợ cấp.
Trước yêu cầu của các hãng hàng không vùng Vịnh, Tổng Giám đốc IATA Tony Tyler nói: IATA không được ủy nhiệm để giải quyết vấn đề này, nhưng “IATA và các thành viên luôn ủng hộ việc tăng cường tự do hóa, cạnh tranh lành mạnh, công bằng”.
Ngăn mở tuyến
Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái trên của các hãng hàng không Mỹ thể hiện lối chơi không đẹp. Kể từ năm 1992, Mỹ ký hơn 100 thỏa thuận Bầu trời rộng mở và bản thân các hãng hàng không nội địa cũng tích cực ủng hộ. Thế mà nay, khi các hãng hàng không vùng Vịnh phát triển, khai thác được những thị trường tiềm năng mà trước đây các hãng hàng không Mỹ không nghĩ tới, họ quay sang phản đối.
Nhưng với những đối tác tại châu Á, các hãng hàng không của Mỹ lại có thái độ khác hẳn. Năm ngoái, CEO của Delta Airlines Richard Anderson từng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tăng mức cạnh tranh hàng không. Trong khi đó, với các hãng của Vịnh Ba Tư, ông Anderson thường nhắc đến họ với giọng đầy bức xúc và luôn tìm cách ngăn chặn các hãng này phát triển. Năm ngoái, Delta từng tìm cách chặn các hãng hàng không vùng Vịnh tiếp cận khoản vay đảm bảo của Mỹ thông qua ngân hàng Export-Import để mua máy bay Boeing mới. Hãng này cũng từng tìm cách không cho Emirates Airlines mở tuyến nối giữa New York và Milan, đồng thời đưa vụ việc này lên tòa án Italia.
Trước làn sóng tranh cãi trên, người phát ngôn Bộ Giao thông Mỹ Brian Farber cho biết, Chính phủ đã nắm được mối lo ngại của các hãng hàng không và đang xem xét. Tuy nhiên, ông Brian khẳng định: Chính phủ Mỹ sẽ “vẫn giữ chính sách Mở rộng bầu trời như đã cam kết. Chính sách này đã tạo ra lợi nhuận lớn cho ngành Hàng không, du lịch nói riêng và nền kinh tế của Mỹ nói chung”.
Không chỉ các hãng hàng không, mới đây Hiệp hội Du lịch Mỹ đã gửi một lá thư lên liên bộ Ngoại giao - Giao thông - Thương mại khẳng định: Việc sửa đổi các thỏa thuận trong chính sách Mở rộng bầu trời với ba hãng hàng không của vùng Vịnh sẽ gây nguy hiểm tới các thỏa thuận với nhiều nước khác và ngăn cản việc ký kết các thỏa thuận hàng không trong tương lai. Hơn nữa, nó còn hạn chế lượng chuyến bay và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp liên quan như khách sạn, du lịch…
Lá thư này có chữ ký của Giám đốc điều hành các Tập đoàn kinh doanh khách sạn như: Hilton Worldwide, Caesars Entertainment, Hyatt, Marriott International, InterContinental Hotels Group; cùng một số hãng hàng không: JetBlue, Alaska Airlines.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận