Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên cũng từng bị các anh hùng bàn phím chỉ trích khi đi làm từ thiện - Ảnh: FB nhân vật |
Người hồ hởi tin, kẻ nghi ngờ lòng tốt của người khác rồi phán xét. Tôi đã cố không đọc để đứng ngoài dư luận, đứng ngoài cơn bão ném đá của dân mạng vào Phan Anh hay Thủy Tiên, Kỳ Duyên - những người của công chúng. Đó là một phản kháng tự nhiên với những anh hùng bàn phím.
Trong số đó, dám chắc có nhiều người chưa một lần đặt chân đến vùng khó khăn, chưa từng biết đến nỗi khổ của người dân, những nỗi khổ mà chỉ kể bằng câu chữ thì không thể nào tưởng tượng hết được.
|
Có rất nhiều kiểu “từ thiện” mà tôi chứng kiến. Có kiểu từ thiện mang trát đến từng nhà, từng người đề nghị đóng tiền, ghi vào sổ.
Rồi tiền mang đi đâu, cho ai, người làm từ thiện không biết, hoặc không muốn biết mà chỉ “đóng tiền cho xong”, hàng xóm nộp tiền thì mình cũng nộp, nếu không sẽ bị “đánh giá”.
Có kiểu từ thiện tiền hô hậu ủng, địa phương đón tiếp, ăn uống, tiệc tùng. Tôi từng được vài bác xe ôm chỉ “nhà hàng sang kia là nơi các đoàn cứu trợ có máu mặt vào ăn ở đó”.
Rồi một khách sạn khác, cũng được giới thiệu toàn dân cứu trợ cao cấp ở. Nơi ăn, nghỉ, đi từ thiện đều được tính toán cặn kẽ để thuận đường ra sân bay, thuận tiện phô trương hình ảnh.
Có những nơi kết nối cho các đoàn làm từ thiện đến phát quà, tiền cho dân, rồi khi đoàn đi lập tức thu tiền lại để thực hiện cái quyền chi tiền từ thiện của mình. Có địa phương, cán bộ không hợp tác gây khó khăn cho người đi từ thiện chỉ vì họ muốn “từ thiện trực tiếp”.
Những sự từ thiện như trên làm mất niềm tin vào “từ thiện”, là cái cớ cho các anh hùng bàn phím rung đùi ngồi phòng máy lạnh ném đá thoải mái.
Xét cho cùng, sự mất niềm tin và khao khát niềm tin, khao khát sự tử tế đều đưa con người ta đến chỗ cực đoan. Làn sóng ủng hộ Phan Anh như “soái ca” và cũng ném đá anh không thương tiếc phần đông đều xuất phát từ sự mất mát và khao khát, trừ một bộ phận “anh hùng” thích tạo dư luận một cách có chủ ý.
Nhưng cuối cùng, tôi muốn nói tới một kiểu từ thiện của những người thực sự có tấm lòng.
Vào vùng lũ, tôi nghe chuyện, trong đêm có đoàn cố đến một nơi rất khó khăn để cứu trợ. Họ bị lật xe, suýt mất mạng. Và họ được rất nhiều người khác đội mưa đi tìm kiếm, cứu giúp.
Những thày, cô giáo được nhận đồ cứu trợ cho học sinh, chỉ dành đủ phần cho số học trò hiện có, số còn lại, họ chở đến một trường khác xa xôi hơn chưa được đoàn nào hỗ trợ.
Đã có rất nhiều đoàn từ thiện tự liên hệ với các địa phương bị thiệt hại để hỏi xem họ thực sự cần gì và trực tiếp tới tận nơi trao quà, thậm chí cùng người dân lợp nhà, dọn bùn đất.
Tôi đã hết tuổi thần tượng ai đó, hết tuổi thích một “soái ca” nào đó, nhưng tôi không ngần ngại nói lời cảm phục Phan Anh. Tôi cũng đến nơi Phan Anh vừa đến trước đó vài ngày. Tôi nghĩ, tôi còn lâu mới làm được như bạn ấy (không nói tới khả năng huy động số tiền lớn mà là tấm lòng và sự dũng cảm) và tin rằng những người như Phan Anh còn rất nhiều.
Nếu với một số người, “từ thiện” hấp dẫn bởi có thể đánh bóng tên tuổi, thể hiện bản thân cho một động cơ nào đó thì với rất rất nhiều người khác, sự hấp dẫn của từ thiện chính ở sự tỏa sáng của những việc làm tử tế. Những người nói là làm, bất chấp gian khổ để giúp người khác, hành động của họ có thể chưa chuẩn chỉ nhưng họ đem lại giá trị lớn hơn rất nhiều những người chỉ khoanh tay đứng nhìn.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi nghe một cô hiệu trưởng nói về chuyến đi từ thiện ở Hà Giang. Cô nói trường không chỉ quyên góp, xây nhà... mà quan trọng hơn là đưa giáo viên lên đó hướng dẫn thày cô vùng cao dạy một số bài khó, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Cô gọi đó là “từ thiện cho mình”.
Vì khi được giao nhiệm vụ hướng dẫn lại cho các giáo viên ở vùng thiệt thòi hơn thì giáo viên trường mình sẽ phải nghiên cứu, thiết kế bài giảng, chuẩn bị cho chuyến đi. Giúp người khác nhưng cũng là động lực buộc mình phải nỗ lực, trải nghiệm. Và hơn hết, làm được một việc có ích, lòng vui thanh thản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận