Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ nhậm chức |
Tổng thống Mỹ nhậm chức trong bối cảnh Hoa Kỳ bị chia rẽ sâu sắc, Triều Tiên thử nhiều tên lửa đạn đạo, cho nổ bom nhiệt hạch, Tổng thống Hàn Quốc bị bắt và truy tố, Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất trong năm 2017 theo bình chọn của Ban Quốc tế Báo Giao thông.
1. Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ giữa nghi án được Nga giúp sức
Ngày 20/1, tại Washington D.C, tỷ phú địa ốc, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ khẳng định cam kết sẽ thực hiện khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Đây cũng là lễ nhậm chức gây chia rẽ nhất trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại, bởi những nghi vấn cuộc bầu cử ứng cử viên đảng Cộng hòa được Nga giúp sức buộc CIA phải mở một cuộc điều tra đến nay vẫn chưa kết thúc. Đồng thời, Tổng thống Donald Trump đã có một loạt các tuyên bố và hành động gây bất ngờ, thậm chí đảo ngược lại các chương trình và chính sách mà người tiền nhiệm Barack Obama đã cố gắng xây dựng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa hồi tháng 9/2017 |
2. Triều Tiên phóng 16 tên lửa đạn đạo, cho nổ 1 bom nhiệt hạch thách thức Mỹ và đồng minh
Trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành 16 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, trong đó có 3 vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa liên lục địa, 2 lần bắn tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Ngoài ra, quân đội Triều Tiên cũng đã tiến hành 1 vụ thử bom nhiệt hạch vào ngày 3/9 tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, cách phía Tây Bắc của TP Kilju trong hạt Kilju khoảng 48km.
Những hành động quân sự của Bình Nhưỡng diễn ra từ đầu năm cho đến nay là một trong những nguyên nhân chính khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng theo cấp độ nguy hiểm ngày càng tăng cao.
Cựu Tổng thống Park Geun-hye được dẫn giải ra tòa |
3. Tổng thống Hàn Quốc là nghề nguy hiểm
Hôm 31/3, cựu Tổng thống Park Geun-hye đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa đến Trung tâm tạm giam Seoul sau khi bị Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất quyền lực (13/3). Tiếp đó, đến ngày 17/4/2017, Hàn Quốc chính thức tiến hành truy tố bà Park Geun-hye với cáo buộc nhận hối lộ, cưỡng ép, lạm quyền và làm rò rỉ bí mật quốc gia trong bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân của bà có tên Choi Soon-sil.
Sự việc bà Park bị truy tố vẻ bề ngoài được cho là thắng lợi của dân chúng, nhưng nó cũng đã chỉ ra một thực tế là ở “xứ sở Kim Chi”, làm tổng thống là một nghề nguy hiểm và có độ rủi ro cao.
Quân đội chính phủ Philippines chiến đấu ở Marawi |
4. Khủng hoảng ở Marawi, Philippines
Ngày 23/5, các tay súng phiến quân thuộc hai nhóm vũ trang Maute và Abu Sayyaf – các tổ chức từng thề trung thành với nhóm khủng bố khét tiếng IS, đã tuyên bố chiếm giữ TP Marawi, tỉnh Lanao del Sur của Philippines.
Sau 148 ngày giao tranh, quân đội Philippines đã diệt tổng cộng 824 phiến quân, giải cứu 1.771 con tin. 162 binh sĩ Chính phủ cũng thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Chiến thắng của Philippines trong cuộc chiến chống khủng bố rất có ý nghĩa trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang quan ngại về khả năng tổ chức khủng bố IS đang tìm cách đặt căn cứ ở Đông Nam Á sau khi chúng thất bại và bị đánh phá tan tác ở Trung Đông.
Phi công Nga làm nhiệm vụ tại Syria |
5. Tổ chức khủng bố IS bị đánh bật khỏi Syria và Iraq
Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2017, chính quyền Syria với sự hỗ trợ vô cùng lớn của quân đội Nga đã giành lại được hơn 90% diện tích lãnh thổ khỏi tay khủng bố IS và các tổ chức phiến quân đối lập.
Chiến thắng quan trọng này đã được Tổng thống Syria Assad và Tổng thống Nga Putin xác nhận. Damacus và Moscow cho rằng nhờ sự dũng cảm, hành động chuyên nghiệp của các binh sỹ Nga và quân đội chính phủ Syria mà tình hình Syria đã chuyển biến triệt để, giải phóng được gần như toàn bộ quốc gia Hồi giáo khỏi thảm họa khủng bố IS và nội chiến kéo dài sang năm thứ 7.
Ông Tập Cận Bình |
6. Ông Tập Cận Bình tái đắc cử
Ngày 25/10, sau khi bế mạc Đại hội lần thứ 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức công bố việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Bên cạnh ông Tập Cận Bình là một ê-kíp mới, cơ quan quyền lực cao nhất là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cơ bản đã hoàn toàn được sắp xếp lại. Ông Tập Cận Bình cũng đưa vào Thường vụ các đồng minh thân cận nhất của mình các ông: Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính. Đồng thời, ông Tập được cho là đã nỗ lực rất nhiều để đạt được việc đưa tư tưởng của ông vào Điều lệ Đảng.
Tổng thống Robert Mugabe đã buộc phải tuyên bố từ chức |
7. Tổng thống Zimbabwe từ chức ở tuổi 93
Ngày 25/11, Tòa án Tối cao Zimbabwe ra tuyên bố cuộc binh biến khiến cựu Tổng thống Robert Mugabe từ chức là hoàn toàn hợp pháp. Trước khi tòa án phát đi tuyên bố từ chức của ông Mugabe, đêm 14/11, quân đội nước này đã đưa quân vào Thủ đô Harare, quản thúc tổng thống tại dinh cơ và gây sức ép để buộc ông này phải từ chức.
Cuộc binh biến làm rúng động Zimbabwe gần một tháng đã kết thúc trong êm đẹp khi ông Robert Mugabe chấp nhận từ chức với “cái bắt tay vàng” và Phó tổng thống thay ông nhậm chức với hy vọng đưa đất nước Zimbabwe rệu rã, trì trệ hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Bạo lực bùng phát sau khi Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel |
8. Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel
Ngày 7/12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khởi sự tiến trình dời chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv tới Jerusalem, một diễn tiến đang khơi lên phản ứng tiêu cực từ phần còn lại của thế giới bởi Mỹ đã công khai đứng về phía Tel Aviv trong mọi vấn đề ở Trung Đông.
Căng thẳng giữa Palestine và Israel ngay lập tức đã bùng phát sau tuyên bố của ông Trump về Jerusalem. Quyết định mang tính chính trị, lịch sử này của Hoa Kỳ cũng vấp phải chỉ trích phần đông dư luận và các nước trên thế giới cho rằng, đây là “bước đi nguy hiểm”, đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông và có khả năng làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Ả rập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận