Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại hội nghị |
Sáng nay (26/10), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị công tác đào tạo khối trường học thuộc Bộ GTVT. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác đào tạo 9 tháng đầu năm 2018, ông Trần Hoài An, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho biết, năm học 2018 - 2019, Bộ GTVT tiếp tục duy trì 19 cơ sở đào tạo. Tính đến cuối tháng 10/2018, các trường đã thực hiện tuyển sinh được hơn 66.000 chỉ tiêu, đạt 89% kế hoạch.
“Các trường, học viện đã chủ động cơ cấu hợp lý đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên theo đúng quy định. Thời điểm hiện tại, đội ngũ giảng viên của các trường khoảng hơn 3.160 người, giảm 150 người so với năm 2017”, ông An thông tin.
Cũng theo ông An, hiện nay, Bộ GTVT cũng đã thực hiện xã hội hóa được toàn bộ công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, xã hội hóa một phần công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải, người lái phương tiện thủy nội địa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cũng chỉ ra một số hạn chế đang tồn tại trong hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo khối ngành GTVT như: định mức giờ giảng và các định mức kinh tế kĩ thuật của một số lĩnh vực làm hạn chế tính tự chủ đối với các đơn vị; Đầu tư cho GĐ&ĐT có khả năng thu hồi vốn chậm nên việc thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, vấn đề tài chính hiện đang là thách thức lớn nhất khi các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ. “Tuy nhiên, tự chủ là quy luật tất yếu mà mỗi cơ sở giáo dục cần phải chủ động để tìm được hướng đi hiệu quả trong quá trình chuyển đổi. Muốn làm được điều đó, cấp lãnh đạo của nhà trường cần phải nâng cao năng lực quản lý, không chỉ là vấn đề chuyên môn mà còn là năng lực kiểm soát tốt kế hoạch quyết toán, kiểm toán, thu chi, sử dụng đồng tiền của Nhà nước cho hiệu quả, đúng quy định”, Thứ trưởng Thọ nói.
Thứ trưởng Thọ cũng bày tỏ trăn trở khi thời điểm hiện tại, cơ chế thị trường đang có sự tác động lớn đến nguồn lực trong ngành. “Có một thời, ngành cầu đường thu hút rất nhiều người học nhưng bây giờ thì ngược lại. Trong khi các lĩnh vực như hàng hải, nhân tố lao động không chỉ mang tính chất nội địa mà còn là xuất khẩu lao động; hay như đường sắt, các tuyến đường sắt trên cao: Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - ga Hà Nội, việc tuyển nhân lực cũng đang rất khó khăn. Vì vậy, các trường cần tổ chức hội thảo chuyên sâu để xác định lại hướng đi của mình để tạo cho ngành nguồn nhân lực phục vụ những ngành chủ lực tốt nhất”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, các trường muốn thu hút người học, làm thương hiệu thôi chưa đủ mà cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. “Các cơ sở giáo dục cũng phải có cơ chế khuyến khích để giữ người tài, giữ được đội ngũ giảng viên giỏi, không nên quá “thị trường hóa” những giáo viên năng lực. Chương trình đào tạo tốt, giáo viên tốt, nhà trường tốt thì sản phẩm của mình sẽ vươn ra thế giới chứ không phải chỉ loanh quanh trong nước”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, thời gian tới, các cơ sở giáo dục ngành GTVT cần tăng cường phản biện, tham mưu cho Bộ trong ứng dụng công nghệ, quản lý giao thông. “Trước mắt, cơ sở đào tạo chuyên môn cần đóng góp cho Bộ những ý tưởng trong quản lý các vấn đề, dự án “nóng” như: quản lý xe ôm công nghệ, dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ vật liệu đưa vào hệ thống cầu đường, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành. Nếu cần thiết, cơ sở đào tạo có thể đề xuất tổ chức hội thảo để giúp Bộ có những kinh nghiệm hiệu quả nhất trong quá trình thực hiện các dự án trên”, Thứ trưởng nói.
Liên quan đến Đề án Chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối tổng hợp thông tin dự án của các trường và phối hợp với Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch đầu tư thường xuyên rà soát, đánh giá đề án của các cơ sở đào tạo, có phương án điều chỉnh kịp thời để các đề án đạt được hiệu quả cao nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận