Chất lượng sống

Các trường lo lắng vì văn bản của Sở GD&ĐT Gia Lai

07/06/2017, 09:28

Văn bản khó hiểu của Giám đốc Sở GD&ĐT khiến cho các trường THPT lo lắng.

21

Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Gia Lai

Văn bản khó hiểu của Giám đốc Sở GD&ĐT

Đầu năm 2017, sau khi được HĐND tỉnh Gia Lai phê duyệt, ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này ký ban hành Quyết định 01 giao dự toán ngân sách của Nhà nước năm 2017 cho các đơn vị trực thuộc. Trong đó gồm: Kinh phí sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ trường lớp học” (12,459 tỉ đồng) và “kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học” (20,573 tỉ đồng).

Tuy nhiên, ngày 27/2, cũng chính ông Thuận lại ký Văn bản số 268 “thông báo” chưa cấp kinh phí theo Quyết định 01 và đề nghị chưa triển khai đến khi có hướng dẫn của sở. Cụ thể, văn bản này chỉ đạo: “Đề nghị các trường chưa triển khai mua sắm sửa chữa. Việc mua sắm sửa chữa chỉ thực hiện khi có kinh phí và có văn bản hướng dẫn thực hiện của Sở”.

Ngày 18/4, Sở GD&ĐT Gia Lai tổ chức cuộc họp với sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Sở Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai về việc trên. Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản thông báo kết luận của ông Hoàng rằng: “Không phân bổ số tiền trên 33 tỉ đồng để mua sắm và xây dựng. Lý do, trong dự toán ngân sách năm 2017 đã bố trí 8 tỉ đồng kinh phí sửa chữa trường lớp và 30 tỉ kinh phí đầu tư trường học thông minh theo tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia". Tuy nhiên, Sở Tài chính lại khẳng định: Khoản kinh phí 38 tỉ đồng sửa chữa trường lớp và đầu tư trường học thông minh không trùng với khoản kinh phí 33,03 tỉ đồng kinh phí dự toán sửa chữa, mua sắm thiết bị trường học năm 2017. Vì mỗi khoản chi đều có nội dung và mục đích riêng.

Để làm rõ lý do vì sao đến nay kinh phí sửa chữa, mua sắm thiết bị trường học năm 2017 chưa được triển khai đến các trường, ngày 29/5, chúng tôi tìm đến Sở GD&ĐT Gia Lai để làm việc với ông Huỳnh Minh Thuận. Khi được hỏi lý do khiến ký văn bản chỉ đạo dừng việc mua sắm trang thiết bị và xây dựng vào ngày 27/2, ông Thuận thoái thác: “Vấn đề này chúng tôi sẽ họp bàn làm rõ trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh”. Trước nghi vấn Sở GD&ĐT Gia Lai muốn “gom về một mối” để tổ chức đấu thầu, mua sắm trang thiết bị cho các trường, ông Thuận nói: “Nếu có dư luận như thế thì xúc phạm Sở và xúcphạm cá nhân tôi”.

Các trường lo lắng

Thời điểm nghỉ hè của học sinh THPT đang cận kề, đây là thời điểm tốt để xây dựng và tu sửa trường lớp, tuy nhiên, chủ trương này đang bị “vướng” từ cơ quan đầu ngành Sở GD&ĐT. Tại Trường THPT Pleiku, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Chương dẫn chúng tôi đến hệ thống nước nhà vệ sinh bị hỏng, rò rỉ lại nằm sát các phòng học, thấm vào tường ẩm mốc và bốc mùi khó chịu. Thầy Chương cho biết, “các em học ở tầng 4 phải chạy xuống tầng 1 để “đi nhờ” rồi lại leo lên tầng 4. Rất vất vả và tế nhị cho các em”. Thầy hiệu trưởng tiếp tục phản ánh: Nhà bảo vệ của trường cũng đã 3 năm vẫn chưa có nguồn để xây. Rồi, nhà thi đấu đa năng bao giờ cũng tập trung vài trăm em học sinh mỗi giờ lên lớp, nhưng lại không có nhà vệ sinh.

Còn tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai, từ lúc thành lập trường (năm 1992) đến nay đã qua 25 năm. Nhiều cơ sở hạ tầng đã hỏng như: Giường nằm trong khu ký túc xá (400 em) đã hư hỏng; khuôn viên, tường gạch hiện đã bong tróc, rêu mọc phủ kín, ngay cả sân bóng chuyền dành cho các em vui chơi cũng không có. Mong muốn của nhà trường được trang bị lại bàn ghế cho đúng chuẩn và có giường mới giúp cho các em học sinh người đồng bào an tâm hơn với với việc rời quê lên phố để học. Thày Võ Thành Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Việc dừng mua sắm đã ảnh hưởng đến công tác dạy, chăm sóc các em học sinh đồng bào nội trú tại trường”.

Nói về việc mua sắm trang thiết bị và xây dựng trong trường học mà Sở GD&ĐT Gia Lai ách lại và có nguy cơ bị cắt trong năm 2017, nhiều thày cô lãnh đạo ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều bày tỏ lo lắng.

Hiện, việc mua sắm trang thiết bị và xây dựng trong trường học THPT toàn tỉnh Gia Lai có nguy cơ bị dừng thực hiện và hủy dự toán đối với các khoản kinh phí mua sắm nếu đến ngày 30/6 chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự án), chưa được phê duyệt dự toán…

Trước sự việc này, một lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai cũng bày tỏ lo ngại: “Tôi cũng không hiểu lý do gì Sở GD&ĐT lại ban hành văn bản “gây khó” cho các trường THPT như vậy. Nếu vướng thì đáng lý ra Sở này phải làm ngay từ đầu năm, chứ đến thời điểm này mới đem ra giải quyết thì rất khó để hoàn thành việc cấp kinh phí cho các trường mua sắm cũng như sửa chữa trước thời điểm 30/6. Rõ là nước đến chân mới nhảy!”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.