Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050.
Theo đó, việc ban hành kế hoạch nhằm xây dựng lộ trình triển khai quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực đường bộ để cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, lập kế hoạch xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ theo quy hoạch, dự kiến nhu cầu sử dụng đất.
Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh minh họa
Kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ của Chính phủ được xây dựng trên nguyên tắc ưu tiên thực hiện đối với các tuyến cao tốc chưa chuẩn bị đầu tư, các tuyến quốc lộ mở mới, đường vành đai các đô thị đặc biệt; các tuyến quốc lộ, các tuyến cao tốc đang đầu tư hoặc đang khai thác sẽ được cắm mốc giới, việc quản lý được thực hiện theo hành lang an toàn đường bộ.
"Kế hoạch đầu tư các dự án cũng được căn cứ mức vốn được giao trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn, phần còn lại sẽ được huy động vốn của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ đầu tư các đoạn tuyến trong kế hoạch là dự kiến, tiến độ cụ thể sẽ được xác định và phê duyệt trong bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của các dự án", Chính phủ cho biết.
Đối với các tuyến cao tốc, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án đã xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Các tuyến cao tốc theo quy hoạch có tiến trình đầu tư trước năm 2030 chưa xác định được nguồn vốn, Chính phủ giao Bộ GTVT lập danh mục để kêu gọi đầu tư.
Các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030 nếu có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm.
Các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư, đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch, tùy theo thời điểm cần đầu tư để đáp ứng nhu cầu vận tải sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong quá trình lập chủ trương đầu tư mà không đưa vào kế hoạch đầu tư của quy hoạch.
Đối với các tuyến quốc lộ, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án đã xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Các tuyến quốc lộ còn lại sẽ được sử dụng vốn bảo trì để duy trì tình trạng khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; từng bước nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống ATGT trong kế hoạch bảo trì hàng năm.
Huy động vốn đầu tư quốc lộ, đoạn tuyến quốc lộ có quy mô chưa phù hợp quy hoạch hoặc các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Các đoạn tuyến đường ven biển, các đoạn tuyến kết nối đầu mối vận tải, các tuyến đường địa phương đã được quy hoạch thành quốc lộ Chính phủ giao các địa phương đầu tư tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.
Dự kiến tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc giai đoạn 2021 - 2025
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn, Chợ Mới - Bắc Kạn, Tuyên Quang - Phú Thọ, trục Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, Nội Bài - Bắc Ninh, Bến Lức - Long Thành, Chơn Thành - Đức Hòa, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Kế hoạch đầu tư các tuyến cao tốc cả hai giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030
Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hà Giang - Tuyên Quang, nối Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai, Hòa Bình - Mộc Châu, vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình - Hải Phòng, Cam Lộ - Lao Bảo, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 3 - TP.HCM, vành đai 4 - TP.HCM, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Kế hoạch đầu tư các tuyến cao tốc giai đoạn 2026 - 2030
Mộc Châu - Sơn La, Phú Thọ - Chợ Bến, Bắc Ninh - Hải Dương, Vinh - Thanh Thủy, Quy Nhơn - Peiku.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đường bộ lần này được tích hợp và đồng bộ hóa với 4 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải còn lại, từ đó xác định danh mục các dự án ưu tiên đối với hệ thống đường quốc gia, danh mục các dự án đường địa phương cần thiết phải ưu tiên đưa vào quy hoạch của tỉnh để đảm bảo tính kết nối, liên thông với mạng lưới giao thông của vùng và quốc gia, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Kết quả quy hoạch đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc các dự án này đều phải bảo đảm tính lan tỏa, là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả.
Đáng chú ý, quy hoạch ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.
Trong đó, tập trung hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc khu vực Nam Bộ, Miền Trung - Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, TP. HCM; với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có thể đưa vào khai thác khoảng hơn 5.000km đường cao tốc như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận