Ngay phía trước có CSGT điều tiết giao thông nhưng người dân vẫn vô tư đi ngược đường vào giờ tan tầm (Trong ảnh: Nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch) - Ảnh: Tạ Tôn |
Tôi rất đồng tình với ý kiến cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông Việt Nam khá tệ và là nguyên nhân khiến ùn tắc thêm trầm trọng. Tuy nhiên, nếu có hệ thống cảnh báo tắc đường sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý tại các đô thị, đồng thời cũng nâng được ý thức người tham gia giao thông.
Sẵn sàng đè đầu xe khác
Tâm lý đối phó và mạnh ai nấy đi là thực tế rất đáng buồn của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Ý thức kém chắc chắn là yếu tố khiến ùn tắc giao thông tại các đô thị thêm trầm trọng.
Đơn cử, đường đang bị ùn tắc, nhưng người tham gia giao thông vẫn cứ cố đi vào và tìm cách vượt lên trước thì rõ ràng là vấn đề ý thức, không phải do đường rộng hay hẹp hoặc quá nhiều phương tiện cá nhân trên đường. Nhìn biển người chen chúc nhau tại nhiều tuyến đường vào giờ cao điểm không nhích nổi một bước mà ai nấy đều ngán ngẩm. Đã vậy, không ít người còn cố chen lấn, xô đẩy nhau, tâm lý ai cũng muốn lên phía trước, thậm chí sẵn sàng đè đầu, vượt mặt xe khác, lao lên vỉa hè để đi... càng khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng hơn.
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn... |
Ý thức giao thông kém hình thành do thói quen lâu ngày một phần do quy định của pháp luật chưa nghiêm. Việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe do lực lượng chức năng không thể có mặt khắp nơi trên đường. Trong khi đó, hệ thống camera giám sát và xử phạt nguội chưa nhiều.
Cũng phải nhìn nhận khách quan, có nhiều người tham gia giao thông khi đi vào một tuyến đường nào đó rồi mới phát hiện ra là đường... đang bị tắc. Nhưng vì đã trót đi vào giữa đường và lại là đường một chiều nên không thể quay lại hoặc không có những đường ngõ xương cá để đi tắt cho nên buộc phải chôn chân tại chỗ hoặc cố mà nhích lên để vượt qua. Chính vì thế tình trạng tắc đường cứ lặp đi, lặp lại, không có hồi kết.
Phải sớm có hệ thống cảnh báo ùn tắc
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhiều người tham gia giao thông hiện vẫn rất thiếu thông tin và ùn tắc diễn ra liên miên khiến ai cũng mong mình thoát khỏi đám đông để về đích càng sớm càng tốt.
Giá như, đầu mỗi tuyến đường, đoạn đường hay xảy ra ùn ứ, tắc đường vào giờ cao điểm có lắp các thiết bị cảnh báo tắc đường, người tham gia giao thông khi đó sẽ chủ động trong hành trình của mình và không cố đi vào những đoạn đường đang bị tắc. Có thể, người tham gia giao thông sẽ chọn giải pháp đi đường khác, tránh giờ cao điểm hoặc tạm dừng chân tại những điểm thích hợp khác để qua thời điểm tắc đường đó sẽ đi tiếp.
Việc ứng dụng các thiết bị cảnh báo tắc đường vừa là giải pháp tình thế, vừa là giải pháp mang tính bền vững trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh. Xét đến cùng, yếu tố con người là quyết định mà cốt lõi là ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia giao thông còn đường sá, xe cộ chỉ là những thứ vô tri, vô giác do con người sử dụng, vận hành mà thôi. |
Giải pháp trên nghe có vẻ rất nhỏ và mang tính thời vụ nhưng thực ra lại có tác động rất lớn đến nhiều người, điều chỉnh trên quy mô rộng, liên quan đến nhiều hoạt động phụ trợ khác. Ví dụ như, người tham gia giao thông khi biết trước thông tin cảnh báo tắc đường sẽ tự điều chỉnh việc đi lại sao cho thích hợp như: Đi chợ, đi siêu thị mua sắm, dừng chân tại các điểm vui chơi công cộng.
Hiện, chúng ta đang hướng tới xây dựng đô thị văn minh, đô thị thông minh. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng các thiết thị thông minh trong cảnh báo tắc đường rất cần được quan tâm. Đơn giản như, tại điểm đầu, cuối của mỗi tuyến đường chỉ cần lắp bảng thông tin điện tử cảnh báo tắc đường. Khi có sự cố, bảng thông tin lập tức cập nhật, thông báo để người tham gia giao thông kịp thời nắm bắt thông tin mà điều chỉnh lộ trình thích hợp. Còn tại những địa điểm công cộng thuận tiện khác mà mọi người dễ quan sát, cũng cần có những bảng thông tin chung về tình hình giao thông trực tiếp tại các tuyến đường. Để làm được điều này, Trung tâm Điều hành giao thông của thành phố phải thường xuyên cập nhật và xử lý thông tin nhanh chóng cung cấp cho người tham gia giao thông.
Hoàng Việt Thịnh
(Số 17B/5 đường Trần Quang Khải, khối Trần Quang Khải 2,
phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn)
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận