Quan ngại trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, từ ngày 16-17/02/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) trực tiếp và trực tuyến tại Phnom Penh, Campuchia.
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Với chủ đề “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, hội nghị đã trao đổi về các trọng tâm, ưu tiên và định hướng hợp tác ASEAN trong 2022.
Toàn cảnh Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR)
Trong bối cảnh địa chính trị quốc tế và khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, các Bộ trưởng nhất trí cần duy trì đoàn kết và thống nhất ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, đề cao chủ nghĩa đa phương và nâng cao hiệu quả của các cơ chế do ASEAN chủ trì và dẫn dắt, đóng góp hiệu quả thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực.
Các Bộ trưởng đã dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông và Myanmar.
Về Biển Đông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực cũng như làm phương hại môi trường biển.
Các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó có thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Các nước cũng nhất trí tiến hành các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa kỷ niệm 20 năm DOC và 40 năm UNCLOS trong 2022 nhằm đóng góp vào nỗ lực trên.
Về vấn đề Myanmar, các Bộ trưởng khẳng định Myanmar là thành viên không thể tách rời của đại gia đình ASEAN, tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và tương lai của Myanmar do chính người dân nước này quyết định.
Theo đó, nhất trí ASEAN tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp khả thi, bền vững cho khủng hoảng hiện nay thông qua thực hiện Đồng thuận 5 điểm, nhất là cần đạt tiến triển thực chất trong công tác của Đặc phái viên và tiếp tục hỗ trợ nhân đạo của ASEAN cho người dân Myanmar.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đưa ra nhiều đánh giá, đề xuất
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị ASEAN tiếp tục triển khai mạnh mẽ các sáng kiến ứng phó COVID-19 như Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN, Khung Thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, đề xuất triển khai công nhận lẫn nhau Hộ chiếu vắc-xin khu vực để sớm nối lại các hoạt động đi lại và tạo điều kiện phục hồi toàn diện trong khu vực, đồng thời chú trọng nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ để sẵn sàng trước các tình huống khẩn cấp mới tương tự COVID-19.
Về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu ASEAN sớm kiện toàn Nhóm HLTF và cần chuẩn bị kỹ lưỡng để Cộng đồng ASEAN có thể thích ứng, ứng phó hiệu quả với các thách thức phức tạp nổi lên trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới biến chuyển nhanh chóng, lấy củng cố đoàn kết, thống nhất, đối thoại và hợp tác làm cơ sở cho một Cộng đồng vững mạnh, tự cường.
Đồng thời, tiếp tục đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cân bằng trong quan hệ với các đối tác, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hội nghị diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến
Về Biển Đông, chia sẻ quan ngại của các nước về những diễn biến phức tạp và các sự cố không mong muốn ở Biển Đông, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 nhằm duy trì Biển Đông là vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác; tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đạt được Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Bộ trưởng cũng hoan nghênh đề xuất kỷ niệm 20 năm DOC cùng với 40 năm UNCLOS trong năm 2022.
Về Myanmar, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sẵn sàng cùng các nước hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ủng hộ tiếp tục triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm, trong đó có công tác của Đặc phái viên Chủ tịch ASEAN về Myanmar và hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Bộ trưởng cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN và với các Đối tác xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, như an ninh mạng, an ninh biển, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, ô nhiễm môi trường, cũng như các thách thức an ninh mới do đại dịch COVID-19 gây ra...
Kết thúc hội nghị, Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 đã ra thông cáo báo chí của Chủ tịch tóm tắt các nội dung quan trọng trao đổi tại hội nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận