Mâm ngũ quả ngày Tết.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết là lễ vật không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết đến Xuân về. Mâm ngũ quả thờ trong dịp Tết là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt, thể hiện cho lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với ông bà tổ tiên.
Chia sẻ về nội dung này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Hải Phong lưu ý, trên mâm ngũ quả chỉ đặt hoa quả, chứ không đặt thêm các thực phẩm khác để đảm bảo thanh tịnh.
Tuyệt đối không bày hoa quả giả trên ban thờ vì sẽ thể hiện sự bất kính, mất đi bầu không khí trang nghiêm và lại không hợp thẩm mỹ.
Ông Phong cho biết, nhiều gia đình hay có thói quen rửa hoa quả, nhưng chưa khô nước đã bày biện, việc này khiến hoa quả bị nước đọng lại, nhanh hỏng. Đây cũng là một điềm xấu đầu năm. Do vậy, cần phải để ráo nước, lau sạch, khô trước khi bày, ông Phong nói.
Ở mỗi vùng miền, địa phương mâm ngũ quả lại có cách bài trí, sắp xếp khác nhau và theo từng quan niệm, nó cũng mang những ý nghĩa khác nhau.
Theo quan niệm trong đạo Phật, ngũ quả là 5 màu quả tượng trưng cho ngũ thiện căn bao gồm: Huệ căn (sáng suốt), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), tấn căn (ý chí kiên trì) và tín căn (lòng tin). Quan niệm này được nhắc nhiều trong kinh Vu Lan bồn hay còn gọi là Vu lan báo hiếu (Ullambana Sutra).
Còn trong quan niệm của người Việt và văn hóa phương Đông nói chung, thì mâm ngũ quả thể hiện 5 yếu tố ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. 5 hành trên được coi là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Khi có đủ các hành nghĩa là cuộc sống sẽ được cân bằng, no đủ.
Bày mâm ngũ quả ngày Tết
Vì quan niệm mâm ngũ quả thể hiện cho ngũ hành nên các loại quả thờ ngày Tết thường được phối theo 5 màu sắc tương ứng: Màu trắng (kim), màu xanh (mộc), màu đen (thủy), màu đỏ (hỏa), màu vàng (thổ).
Khi lựa chọn được các loại hoa quả có màu sắc phù hợp, hoa quả sẽ được xếp xen kẽ từng loại quả với nhau để tạo nên nét hài hòa, cân đối và hợp với phong thủy.
Những loại quả thường được dùng như: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt tượng trưng cho Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh.
Ngày nay, các loại trái cây đã đa dạng hơn rất nhiều, thế nên mâm ngũ quả ngày Tết cũng phong phú hơn. Các gia đình có thể chọn nhiều loại trái cây hơn như: Quả phật thủ, dưa hấu, táo, hồng xiêm... nhưng vẫn luôn lưu ý đến sự hài hòa, cân đối giữa các màu sắc của quả.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) hướng dẫn cách bày mâm ngũ quả cụ thể hơn:
Theo cách bày mâm ngũ quả truyền thống, nải chuối xanh được đặt dưới cùng, ở giữa là quả bưởi, rồi điểm xuyến những quả quất, quýt xung quanh. Hiện nay, các gia đình ở Bắc Bộ, đặc biệt vùng nông thôn vẫn bày biện mâm ngũ quả theo cách này.
Chuối để bày lên ban thờ ngày Tết thường là chuối tiêu già quả nhưng vẫn còn xanh. Mỗi nải chuối thường trên 20 quả, cong đều nhau để “ôm” được các hoa quả khác đặt trong lòng nó. Các gia đình cần chú ý không nên chọn chuối sắp chín, hoặc đã sắp đổi sang vàng vì khi thờ, sức nóng của hương nhang sẽ làm chuối chín rất nhanh và dễ bị rụng quả.
Nếu người miền Bắc chuộng chuối, thì người miền Nam lại kỵ. Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.
Còn cách bày biện trang trí mâm ngũ quả miền Trung khá đơn giản: Dứa đặt cao nhất, bao quanh là xoài, thanh long và táo, nho đặt dải ngang và quýt bày xung quanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận