Y tế

Cách chăm sóc F0 khỏi bệnh bị di chứng

18/10/2021, 08:00

Sau khi khỏi Covid-19 trở về nhà, nhiều F0 gặp rắc rối về sức khỏe như thường đau đầu, mất sức, mỏi cơ, khó thở hoặc biếng ăn…

Sau 1 tháng khỏi bệnh vẫn thở oxy, đi lại khó khăn

Anh Nguyễn A. (30 tuổi, TP.HCM) trở thành bệnh nhân Covid-19 cách đây khoảng 2 tháng. Mặc dù tuổi còn trẻ và không có bệnh nền, nhưng chỉ ít ngày sau khi nhập viện điều trị, tình trạng bệnh đột ngột trở nặng, thở ngắt quãng khiến anh A. được bác sĩ chỉ định phải dùng oxy dòng cao hỗ trợ.

May mắn, sau 2 tuần sức khỏe cũng dần hồi phục. Với 2 lần có kết quả PCR âm tính, anh A. đủ điều kiện xuất viện dù sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

img

F0 xuất viện sau những ngày dài chống chọi với Covid-19

Về nhà đã hơn 1 tháng nhưng anh A. vẫn thở ngắt quãng, cần thở oxy hỗ trợ vì chỉ gắng sức một chút là chỉ số SpO2 (oxy trong máu) giảm xuống 90.

Ráng luyện tập và nhận tư vấn thường xuyên từ bác sĩ qua điện thoại, cách đây ít ngày, anh A. vui vẻ gửi clip cho bác sỹ quay thành quả đi 2-3 vòng quanh nhà mà không cần oxy hỗ trợ.

Tương tự, chị Quỳnh P. (25 tuổi TP.HCM) chia sẻ, dù đã ra viện gần hai tháng nhưng chị vẫn mỏi mệt, yếu sức, chảy máu răng và chán ăn.

Được biết trước đó, chị P. vốn suy nhược cơ thể, việc mắc Covid-19 càng khiến chị suy sụp không thể ăn được do mất khứu giác, ăn vào là nôn ra. Qua 3 tuần điều trị, chị P. sụt mất 3kg và hiện nay với chiều cao 1,6m chị P. chỉ nặng 40kg.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Lê Xuân Hà, Khoa Nội A, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chia sẻ, sau điều trị khỏi Covid-19, nhiều bệnh nhân cho biết không thể làm việc với tần suất như trước, thường đau đầu, khó thở đột ngột, thậm chí chưa sinh hoạt được bình thường dù đã về nhà một thời gian dài.

Nhiều bệnh nhân trẻ vẫn dùng tới oxy hỗ trợ còn người cao tuổi thì phải mất thời gian khá lâu mới cai được oxy.

“Một số bệnh nhân sau khi về vẫn thường xuyên liên lạc với tôi. Hàng ngày, bệnh nhân đều đặn tự theo dõi mạch và oxy, cuối ngày gửi cho bác sĩ để được tư vấn nên thở bao nhiêu lít/phút, thở ra sao, tập luyện thế nào để sớm hồi phục”, BS. Hà cho biết.

Chia sẻ về những hệ lụy sau khi khỏi Covid-19 của các F0, TS. BS. Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, tỷ lệ lớn F0 sau khi khỏi bệnh rất căng thẳng, lo âu, mất ngủ.

“Sau đợt thập tử nhất sinh, yếu tố tâm lý là chắc chắn có nhưng thực tế khi cơ thể chịu sự tác động mạnh của Covid-19 dẫn đến những tế bào thần kinh tổn thương, kho dự trữ năng lượng dinh dưỡng cạn kiệt, không tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh hay hoạt động thần kinh bình thường nữa. Chính sự thiếu hụt này làm cho người bệnh trở nên nhức đầu, mất ngủ, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra”, bác sỹ Yến Phi nói.

“Việc gia tăng tình trạng tâm lý stress đó chỉ vì bản thân cơ thể bị tổn thương, nó hoàn toàn thực thể chứ không chỉ là vấn đề tâm lý đơn thuần. Cho nên, trong giai đoạn phục hồi cần chú trọng phục hồi thể chất, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và nguyên liệu phục hồi cơ thể. Bên cạnh đó chúng ta mới lo đến vấn đề tâm lý”, BS. Yến Phi phân tích.

F0 cần làm gì để sớm phục hồi?

Theo lý giải của BS. Đào Thị Yến Phi, F0 thường qua giai đoạn 1 xuất hiện dấu hiệu bệnh như ho, khó thở, mất khứu giác, sang giai đoạn 2 cơ thể sinh ra kháng thể và chính nó tạo thành cơn bão cytokine gây tổn thương lên các cơ quan như tim, phổi….

“Khi cơn bão này dịu đi, xét nghiệm âm tính coi như F0 hết bệnh nhưng lúc này cơ thể rất yếu, bởi trong suốt thời gian giai đoạn 1, 2, cơ thể phải chịu sự tấn công của virus khiến mọi cơ quan đều bị tổn thương, giảm chức năng. Bên cạnh đó, các kho dự trữ dinh dưỡng, năng lượng của cơ thể cũng cạn kiệt sau thời gian dài phải chống chọi với Covid-19... Bệnh càng nặng đồng nghĩa tổn thương nhiều nên thời gian phục hồi cần càng dài có thể 2-3 tháng”, bác sỹ Yến Phi phân tích.

“Cần lưu ý, giai đoạn lành, phục hồi sẽ hình thành sẹo ở các tổn thương. Ví như tổn thương phổi sẽ hình thành khối sẹo trong phổi gây co kéo, nên đòi hỏi bệnh nhân phải tập thở cho phổi giãn ra, nếu không sẽ gây xơ cứng dẫn đến tình trạng thiếu oxy mạn tính… Nếu không được can thiệp sớm, đúng cách sẽ để hậu quả lâu dài, nguy hiểm không kém gì trong giai đoạn cấp tính”, bà Phi nhận định.

Theo BS. Phi, ở giai đoạn phục hồi, cần ưu tiên thành phần dinh dưỡng là các chất bột, đường và vitamin tan trong nước như B, C; ăn cháo nấu thịt, trứng.

Giai đoạn này cơ thể còn mệt nên ăn đồ mềm, lỏng, nhiều lần để đảm bảo cung cấp đủ chất, vi lượng, có thể bổ sung thêm thêm multivitmine.

“Nếu bệnh nhân sụt cân trên 3-5kg sau thời gian điều trị thì cần phải có ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo lượng sữa mỗi ngày uống phù hợp với thể trạng. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải tập thở, tập vận động để khối cơ tăng lên”, nữ bác sỹ khuyến cáo.

BS. Phi cũng nhấn mạnh, nhiều bệnh nhân hết bệnh nhưng ăn không ngon miệng, chán ăn, bởi hệ tiêu hóa không có men tiêu hóa, nhu động ruột yếu, cơ nhão, cảm giác mệt mỏi khi gan không kích thích, ngay cả hệ thần kinh cũng đang bị tổn thương làm giảm chức năng.

Tuy nhiên, bệnh nhân không được chờ tới khi thấy ăn ngon mới ăn, như vậy sẽ khiến cơ thể càng ngày càng suy nhược, biếng ăn.

“Cần nhớ, lúc này ăn uống là liệu pháp phục hồi sau khi hết Covid-19 chứ không phải ăn vì ngon miệng hay vì khỏe như trước. Bắt buộc phải ăn ngay cả khi thấy không ngon miệng. Nên dùng sữa công thức được pha chế thêm phục vụ cho bệnh nhân suy kiệt, có mức năng lượng cao; phải giữ thói quen 1 ngày 3 bữa ăn và bù bằng sữa, với khoảng 1 lít sữa/ngày... để phục hồi nhanh 1-2 tuần đầu”, BS. Yến Phi lưu ý.

Trước câu hỏi liệu có nên tẩm bổ bằng yến và nhân sâm cho người bệnh sau khỏi Covid-19, BS. Yến Phi cho hay: “Yến và nhân sâm được coi là thần dược phục hồi sức khỏe ở trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, cần coi chừng tác dụng phụ của việc sử dụng các chất kích thích đó. Các tế bào có vẻ khỏe hơn nhưng sau đó là suy kiệt do phải hoạt động quá mức.

Chính vì vậy, mọi người nên lưu ý việc sử dụng nhân sâm hay yến phải đi kèm với chế độ ăn, có đủ chất dinh dưỡng giúp cho phục hồi, vận động của tế bào không bị ảnh hưởng... Tuyệt đối, không dùng yến và nhân sâm thay thế các bữa ăn hàng ngày mà phải ăn đủ 3 bữa chính, 3 bữa phụ”, nữ bác sỹ cho hay.

Những triệu chứng dai dẳng từ 1 - 6 tháng

Theo Liên đoàn Vật lý trị liệu thế giới, sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân Covid-19 tiếp tục xuất hiện các triệu chứng dai dẳng từ 1 - 6 tháng.

Hệ lụy thường gặp là khó thở, ho, ho có đờm; 1/4 bệnh nhân có suy nhược cơ thể do nằm lâu, teo cơ và do bệnh lý virus dễ dẫn đến các vấn đề viêm đa cơ, khiến teo cơ ảnh hưởng vận động và cứng khớp, suy nhược cơ thể.

Bên cạnh đó, các F0 còn gặp các vấn đề về tâm lý do đối mặt với thời gian điều trị cách ly dài ngày, chứng kiến nhiều chuyện đau lòng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.