Viễn cảnh tương lai khi con người có thể làm việc, giải trí trên phương tiện tự động lái |
Ở lĩnh vực giao thông đường bộ, cách mạng 4.0 thể hiện rõ nét nhất qua sự xuất hiện của thế hệ xe không người lái, có thể “nói chuyện với nhau” cũng như hệ thống giao thông thông minh đang dần hình thành ở một số nước phát triển.
Sự phát triển trong lĩnh vực máy tính, cảm biến và dữ liệu đám mây cho phép những chiếc xe không người lái từ ý tưởng thiết kế “bước ra” đời thực. Với hệ thống cảm biến và trí thông minh nhân tạo, xe không người lái có thể nhận biết được đèn tín hiệu, vật thể lạ, bản đồ đường để xử lý tình huống.
Người ngồi trong xe hoàn toàn có thể nghỉ ngơi, làm việc, giải trí… còn chuyện đưa bạn từ điểm A tới điểm B đã có chiếc xe lo. Thế hệ xe không người lái hứa hẹn đảm bảo an toàn cao gấp nhiều lần vì sẽ không còn xảy ra tình trạng lái xe say rượu bia, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu.
Hiện nay, nhiều hãng sản xuất ô tô như GM, Nissan, Volkswagen cùng một số công ty công nghệ như Waymo (thuộc Google)… đang thử nghiệm công nghệ xe không người lái ở khu vực ngoại ô, đô thị. Dù ở thời điểm này, mức độ hiện đại của xe tự động lái chưa cho phép người điều khiển hoàn toàn phó mặc cho xe tự hành nhưng phần nào loại xe này mang đến nhiều lợi ích.
Điển hình, hồi tháng 8/2016, một người đàn ông Mỹ đang sử dụng xe tự lái của Tesla thì bất ngờ gặp triệu chứng đau tức ngực. Nhờ xe tự động lái, ông có thể liên hệ với vợ để báo bác sĩ chuẩn bị, ra lệnh cho xe tự di chuyển tới bệnh viện và được cấp cứu kịp thời.
Tàu chạy không cần đường ray
Với ngành Đường sắt, qua cách mạng 4.0, nếu như đường bộ có ô tô thông minh, thì đường sắt có tàu không người lái, thậm chí còn có tàu không cần đường ray. Chưa nói đến tương lai xa, vừa mới đây, Công ty Vận tải đường sắt Trung Quốc CRRC đã cho ra mắt mẫu tàu điện pha trộn giữa xe buýt - xe điện - xe lửa được gọi là “xe buýt thông minh”.
Nhờ công nghệ cảm biến, điều khiển bằng máy tính, đoàn tàu dài 30m không chạy trên đường ray kim loại thông thường, mà di chuyển theo các dải sơn cảm ứng màu trắng hay còn được gọi với khái niệm mới là “đường ray ảo”. Các cảm biến gắn dưới các vệt sơn, bố trí dọc đường và trên xe giúp tàu chạy theo đúng “đường ray”, đồng thời thích ứng với môi trường xung quanh, kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ trong thời gian thực. Mẫu tàu điện thông minh đầu tiên có 3 toa với khả năng chở 300 hành khách và tiến tới chở 500 hành khách trong tương lai.
Ngoài ra, nhờ công nghệ số hóa, hành khách có thể mua vé, đổi vé từ xa qua điện thoại hoặc máy tính. Đây là điều mà hầu hết các công ty đường sắt lớn trên thế giới đang xúc tiến.
Cảng hàng không tự động
Với lĩnh vực hàng không, hiện nay, hành khách sử dụng phương tiện này đã có thể lướt mạng trên máy bay/tại sân bay, đặt hàng theo nhu cầu chuyến đi qua điện thoại thông minh/máy tính xách tay… Nhưng, tất cả những tiện ích này mới chỉ là bước đầu khi cách mạng 4.0 chạm ngõ ngành Hàng không.
Trong tương lai, với hệ thống dữ liệu đồng bộ đám mây, các công ty hàng không, nhà khai thác tour du lịch nắm trong tay lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ (hình thức giải trí ưa thích trên máy bay, điểm đến được ưa chuộng… ). Các công ty này có thể theo dõi những dấu vết mà khách hàng để lại qua những lần nhấp chuột, quẹt thẻ hay những lời bình luận trên mạng xã hội, từ đó tạo nên một tập hợp duy nhất để nhận diện khách hàng tiềm năng trong thế giới ảo.
Một thế hệ xe không người lái trong tương lai đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức về quản lý mua bán và sở hữu ô tô. Đơn giản như, nếu ô tô có thể tự lái mà không cần người điều khiển, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong trường hợp tai nạn và mức độ bảo hiểm sẽ như thế nào? Một vấn đề khác đặt ra với các nhà quản lý trong thời đại công nghệ 4.0, đó là phát triển hạ tầng giao thông thông minh để bắt kịp các phương tiện tích hợp công nghệ. Một số ví dụ mà các nước trên thế giới đang nghiên cứu, thực hiện và phát triển như hệ thống thu phí tự động, đèn đường thông minh, bãi đỗ xe thông minh… |
Với lượng dữ liệu này, các công ty trong ngành dịch vụ hàng không, du lịch có thể hiểu và cung cấp những sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn khách hàng mong muốn, cũng như dự đoán nhu cầu của khách hàng trong tương lai.
Hiện nay, các hãng hàng không, sân bay, công ty khai thác tour du lịch… đang phát triển và hoạt động độc lập. Tuy nhiên, trong tương lai, với công nghệ tích hợp và đồng bộ hóa dữ liệu, các công ty này sớm hợp tác với nhau, chia sẻ dữ liệu trong thời gian thực để thúc đẩy lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh lưu lượng hành khách hàng không không ngừng tăng.
Bên cạnh đó, qua ứng dụng điện thoại và hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây, các hãng hàng không, sân bay… có thể “giao tiếp” với khách hàng trong thời gian thực. Hành khách đến với sân bay 4.0, hoàn toàn có thể nhận được các thông tin về khu nghỉ ngơi, các nhà hàng, cửa hàng miễn thuế mà khách hàng có thể quan tâm… ngay tại sân bay.
Hiện nay, một số sân bay trên thế giới đang hướng đến mục tiêu đưa vào sản xuất và vận hành hệ thống cảng hàng không một cách hoàn toàn tự động. Tháng 7 vừa rồi, sân bay Changi (Singapore) bắt đầu chạy thử nhà ga số 4 tự động 100%, cho phép hành khách tự check-in, tự ký gửi hành lý, tự lên máy bay. Nơi đây cũng đưa vào thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện đại nhất thế giới.
Không chỉ đi vào cải tiến dịch vụ, tương tự như đường sắt, đường bộ, ngành Hàng không cũng đang trông đợi những thế hệ máy bay không người lái trong tương lai. Viễn cảnh này hoàn toàn có thể diễn ra trong tương lai gần khi Boeing đang lên kế hoạch phát triển loại máy bay không cần phi công và dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm công nghệ mới này vào năm 2018.
Thế hệ máy bay mới có thể được tích hợp với các hệ thống điều khiển bay để xác định lộ trình phù hợp nhất dựa trên kế hoạch bay do phi công cài đặt. Đồng thời, hệ thống máy tính điều khiển có thể tự điều hành máy bay cất, hạ cánh và thực hiện hành trình bay.
Hàng hải
Không thua kém các lĩnh vực trên, ngành Hàng hải thế giới đang ấp ủ nhiều thiết kế tàu biển tự hành, trong đó dẫn đầu là Na Uy với thiết kế tàu chở hàng tự lái tên Yarra Birkeland. Con tàu này có sức chở 100 container, bắt đầu chạy thử theo kế hoạch vào cuối năm 2018.
Đáng chú ý, Yara Birkeland được thiết kế để có thể tự vận hành và cập bến nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu, radar, các hệ thống camera và cảm biến. Kích cỡ của nó lớn gấp 3 lần so với một tàu container truyền thống.
Hay công ty sản xuất động cơ Rolls-Royce đang cùng Công ty Ứng dụng đường thủy tự động tiên tiến (AAWA) tại Phần Lan cũng đang thực hiện một dự án chung để tạo ra công nghệ tàu điều khiển từ xa hoặc vận hành hoàn toàn tự động dự kiến sẽ khởi hành từ cuối thập kỷ này.
Tại châu Á, Cục An toàn hàng hải Trung Quốc và Đại học Công nghệ Vũ Hán đang phối hợp thực hiện dự án phát triển và nghiên cứu tàu hàng hải đa chức năng không thủy thủ đoàn để tìm ra cách phát triển tàu biển không người lái sử dụng cho ngành Hàng hải quân sự, thương mại của riêng Trung Quốc.
Các chuyên gia ngành vận tải biển cho rằng, tàu chở hàng tự lái có thể sẽ được sử dụng phổ biến cho các chặng đường biển ngắn. Trong tương lai, với các chặng đường dài, loại tàu truyền thống vốn trước đây cần ít nhất 25 người để vận hành có thể sẽ cần ít người hơn hoặc hoàn toàn không cần người trực tiếp điều khiển nếu như lộ trình của nó không vướng phải thiên tai hay nhân tai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận