Vận tải

Cách nào "giải ế" cho Bến xe Miền Đông ngàn tỉ ở TP.HCM?

13/01/2021, 13:28

Bến xe Miền Đông mới hoạt động được 2 tháng và lượng khách đến bến còn rất thưa thớt, mỗi ngày chỉ vài lượt xe ra vào...

img

Bến xe Miền Đông mới rộng gấp 3 lần bến cũ. Ảnh: Đỗ Loan

Bến xe Miền Đông mới nằm trên địa bàn quận 9, cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km, được đầu tư quy mô, hiện đại nhất nước và cũng thuộc vào loại tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay bến rất vắng vẻ, khách đến bến thưa thớt.

Theo các chuyên gia, nếu không có phương hướng giải quyết thì vài năm nữa tình hình cũng không khá hơn. Như vậy, giải pháp nào để thu hút khách trong tương lai?

Phải phát triển dân cư, dịch vụ, trung tâm thương mại

Đại diện Bến xe Miền Đông mới cho biết, trung bình mỗi ngày chỉ vài ba xe ra vào bến, ngày cao nhất khoảng 14 xe vào bến trong tổng số 40 xe quy hoạch đến bến mới.

TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia giao thông cho rằng, với quy hoạch bến mới và hạ tầng giao thông như hiện nay thì "trong 3 năm nữa bến cũng sẽ vắng khách". Theo ông, "đây là quy hoạch mà có thể phải chờ hơn 10 năm nữa mới phát huy hiệu quả".

“Với vị trí của bến mới và trong khi chưa có nhiều đường kết nối, sẽ không có người dân nào bắt xe taxi, xe ôm để ra bến. Ví dụ người dân nội thành TP.HCM không ai đi Vũng Tàu lại vòng qua bến mới thêm quãng đường xa hơn, thay vì có thể đi hướng cao tốc Long Thành - Giầu Dây gần hơn”, ông Hòa nhận định.

Theo ông Nguyễn Minh Hoà, để thu hút khách ra bến mới cần phải đợi tuyến metro số 1 hoàn thành và kết nối giao thông đồng bộ. Đồng thời có phương án thu gom khách từ trung tâm thành phố ra bến mới. Bên cạnh đó, bến xe cần có nhiều tiện ích thu hút khách như giữ xe miễn phí cho hành khách chẳng hạn.

Trong khi đó, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức nhận định, nên sớm đóng cửa Bến xe Miền Đông cũ để tập trung vào khai thác bến mới. Đồng thời cung cấp các dịch vụ kết nối ra bến mới như xe buýt, buýt mini sử dụng app, xe con thoi của các doanh nghiệp vận tải tuyến đường dài đưa khách đến bến mới miễn phí.

Đặc biệt, phải phát triển khu vực thương mại và dân cư ở bến mới. Khi dân cư sầm uất, các dịch vụ phát triển thì sẽ thu hút được khách nhiều hơn.

img

Bến xe Miền Đông mới ít khách trong những tháng đầu đưa vào khai thác

Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông, bến xe đang đề xuất Sở GTVT mở thêm kết nối các tuyến xe buýt tại bến xe mới để thuận tiện cho hành khách. Chủ đầu tư bến xe cần sớm cung cấp các dịch vụ tiện ích tại bến như phục vụ ăn uống, kho bãi, cây xăng…

Giải pháp căn cơ theo ông Huy là lực lượng chức năng phải xử lý mạnh “xe dù, bến cóc” dừng đỗ sai quy định, bắt khách dọc đường trong trung tâm TP, làm thất thoát lượng khách của bến hợp pháp.

Về lâu dài, ông Huy cho rằng quy hoạch giao thông ở bến mới phải đồng bộ về hạ tầng xung quanh. Hiện nay cầu vượt trước cửa bến mới chưa hoàn thành, tuyến metro chưa xong. Sau khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, lúc đó TP sẽ chuyển hết các tuyến từ bến cũ ra bến mới.

Tầm nhìn cho nhiều năm sau...

Bến xe Miền Đông mới nằm trên địa bàn quận 9 (TP.HCM) và TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) có diện tích hơn 16 ha, rộng gấp 3 lần so với bến xe hiện hữu.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM cho biết, bến xe mới được xây dựng đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu kéo giảm ùn tắc giao thông ở TP.

Theo ông Hải, bến mới nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, tuyến giao thông huyết mạch đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung, miền Bắc. Do vậy, khi đặt bến ở đây, các doanh nghiệp sẽ rút ngắn được quãng đường gần 20km từ trung tâm thành phố ra bến xe và không phải khốn khổ vì kẹt xe như ở bến xe cũ.

img

Giai đoạn 1, có 24 tuyến vận tải từ các tỉnh Quảng Trị trở ra phía Bắc vào bến mới

“Nếu cho rằng Bến xe Miền Đông mới nằm cách xa trung tâm sẽ thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện xe cá nhân hoặc xe hợp đồng, nảy sinh “xe dù, bên cóc” là quan niệm sai. Bến cũ hay bến mới cũng đều phải sử dụng phương tiện cá nhân hoặc công cộng để ra bến. Nhưng bến mới được đầu tư sẽ có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, không kẹt xe, không gây ùn tắc trong trung tâm TP, phù hợp với quy hoạch của bến xe trong tương lai”, ông Hải nói.

Theo Sở GTVT TP.HCM, bến xe mới được xem là rất thuận lợi khi kết nối trực tiếp với nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), để vận chuyển khách từ khu vực trung tâm TP ra bến xe và ngược lại.

Cuối năm 2021, khi tuyến metro số 1 hoạt động, hành khách chỉ cần đi bộ khoảng 50m là bước vào bên trong nhà ga bến xe.

Đáng chú ý, hệ thống giao thông công cộng sẽ hoàn chỉnh hơn khi tập trung nhiều phương thức vận tải hành khách công cộng công suất lớn để phục vụ chuyển tiếp hành khách vào trung tâm thành phố và các đô thị vệ tinh.

Ngoài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) còn có tuyến metro Biên Hòa - TP.HCM, tuyến metro thành phố mới Bình Dương (đang nghiên cứu), tuyến xe buýt nhanh đi TP Bình Dương và các tuyến xe buýt đô thị…

Bến xe Miền Đông mới có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của bến xe được đầu tư khoảng 740 tỉ đồng, đã hoàn thành nhà ga trung tâm với 4 tầng trên mặt đất và hai tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 49.680m2 gồm: nhà ga hành khách của bến xe, văn phòng làm việc và các dịch vụ hỗ trợ, khu ăn uống, bãi đón trả khách và đậu xe liên tỉnh.

Bến xe dự kiến sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc/năm, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.