Tự do tôn giáo là chìa khoá để đẩy lùi tư tưởng cực đoan Hồi giáo của IS |
Tại khu vực Trung Á, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện những phương pháp truyền bá tư tưởng cực đoan và tuyển quân khá công phu. Tuy nhiên, không ít quốc gia đã có những biện pháp đẩy lùi mầm mống tư tưởng cực đoan của IS thành công.
IS truyền bá tư tưởng cực đoan
Hôm qua (21/2), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố, hơn 130 công dân Malaysia đang ở Syria và Iraq tham chiến trong hàng ngũ IS sẽ bị cấm về nước. Theo ông Hamidi, quyết định trên được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ hòa bình và sự ổn định của Malaysia và chống lại những hành vi truyền bá tư tưởng cực đoan khi những kẻ này về nước.
Trước đó, ngày 20/2, Cảnh sát Indonesia (quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới) bắt giữ 41 nghi can IS trên đảo Java. Ông Liliek Darmanto, người phát ngôn cảnh sát cho biết: Trong các tang vật thu giữ được có rất nhiều tài liệu thánh chiến tuyên truyền tư tưởng cực đoan và cờ hiệu IS. Hiện Indonesia đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau vụ khủng bố tại thủ đô Jakarta hồi tháng 1 vừa qua.Các chuyên gia phân tích cho rằng: Cả hai vụ việc nói trên cho thấy Đông Nam Á đang phải đứng trước nguy cơ bành trướng tư tưởng cực đoan của IS lớn hơn bao giờ hết và các nước trong khu vực cần có một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn làn sóng này.
Tờ Financial Times trích lời một trong những chuyên gia hàng đầu của Nga về Trung Á - ông Andrei Kazantsev ước tính, có khoảng 5.000 - 7.000 người từ các nước Trung Á gia nhập các tổ chức khủng bố trong đó có IS tại Iraq và Syria.
Không chỉ vậy, tại một cuộc hội đàm được tổ chức thời gian gần đây do Chương trình Trung Á (CAP) thuộc Đại học George Washington tổ chức, nhà báo Noah Tucker chỉ ra, mỗi nước tại khu vực Trung Á, IS lại thực hiện cách tuyên truyền và thông điệp khác nhau.
Tại Uzberkistan, cho đến mùa thu năm 2014, IS tuyên truyền một cách có tổ chức với hình thức chưa từng sử dụng tại bất cứ đâu. Chúng thực hiện những thông điệp bằng chính tiếng Uzberkistan nhắm tới “một cộng đồng ngôn ngữ thiểu số” chứ không nhắm tới người dân Uzberkistan.
Tại Tajikistan, IS sản xuất những thông điệp tuyên truyền bằng tiếng Tajikistan xoay quanh những tên chỉ huy cầm đầu khủng bố nổi tiếng như Abu Holid Kulobi và Gulmurad Halimov.Ở Kazakhstan, IS thực hiện những đoạn video tuyên truyền về một Nhà nước Hồi giáo đa sắc tộc.
Tự người Hồi giáo triệt tiêu tư tưởng cực đoan
Trước những thông điệp truyền bá tư tưởng cực đoan, mỗi nước Trung Á lại có những phản ứng khác nhau. Ba nước Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan thường “có chung một phản ứng trước bất cứ thể loại cực đoan Hồi giáo nào và duy trì nó khoảng 10-15 năm nay”.
Họ coi vấn đề này là cuộc đua giữa giá trị quốc gia dân tộc và của nước ngoài nên phản ứng của ba nước này chủ yếu nhắm tới đối tượng “người Hồi giáo nước ngoài”. Ví dụ, tại Tajikistan, họ sẽ có hai hình thức: bắt buộc phải cạo râu và dẹp bỏ hoạt động chính trị liên quan tới Hồi giáo. Năm ngoái, chính quyền Tajikistan đã ép buộc 13.000 đàn ông phải cạo râu ngăn chặn bắt chước hình thức của những kẻ khủng bố cực đoan.
Xu hướng này thấm nhuần và hình thành nên phản ứng của cộng đồng người dân ba nước. Tự nhiên, trong tiềm thức của người dân ba nước này, họ đổ lỗi cho Mỹ và có thể là Israel đã tạo ra IS.
Trong khi đó, phản ứng mang tầm chính sách thành công nhất là cho phép cộng đồng Hồi giáo trong khu vực tự đẩy lùi những tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Đáng ngạc nhiên, Uzberkistan là nước đi đầu trong việc thực hiện chính sách này.
Sau khi nhận ra tuyên truyền giải thích tại sao tổ chức IS là bất hợp pháp không đạt hiệu quả, Uzberkistan đã sử dụng một chiêu khác thực sự thú vị và chưa từng có trong lịch sử nước này. Họ đã thả ông Hayrullo Hamidov, một nhân vật khá có tiếng nói trong cộng đồng và là học giả Hồi giáo nổi tiếng (từng bị bắt vì các cáo buộc khủng bố) và bổ nhiệm ông đứng đầu chiến dịch chống IS.
Với tiếng nói của Hayrullo Hamidov kết hợp cùng việc phổ biến sách tuyên truyền chống IS, chiến dịch tiêm nhiễm những tư tưởng cực đoan của IS đã bị đẩy lùi.
Ông Tucker nhận định, tự do tôn giáo là “một trong những điều kiện quan trọng đối với bất cứ chiến dịch đẩy lùi tận gốc tư tưởng cực đoan nào”. Bởi đây là một nhiệm vụ quá lớn, thuyết âm mưu nhan nhản khắp nơi, nên chính quyền cần sự hợp tác của cộng đồng để tự họ bài trừ những thông điệp cực đoan của IS. Đổi lại, cộng đồng có quyền tự do tôn giáo và tôn thờ những nhân vật tôn giáo có uy tín.
Theo quan điểm của mình, ông Tucker cho rằng, tự do tôn giáo có thể là công cụ chính sách hữu ích nếu nó được nhân rộng và ngược lại. Thiếu tự do tôn giáo sẽ tạo điều kiện cho việc tuyển dụng. Những người đứng đầu các cộng đồng Hồi giáo nên là những đồng minh tốt nhất của chính phủ trong vấn đề bài trừ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Vì họ là người sẽ đưa ra những chỉ dẫn và giải thích phù hợp chống lại những thông điệp tuyên truyền đầy hào nhoáng và mê hoặc của IS, theo Diplomat.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận