Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở khu vực miền Bắc rất nhanh, với mức 13% đưa miền Bắc trở thành nơi tăng trưởng sử dụng điện lớn nhất cả nước. Tăng trưởng sử dụng điện tăng vọt nhưng không có nguồn điện mới được triển khai đang đặt ra vấn đề lớn với an ninh năng lượng.
Lúc này, rất cần tính toán cải tổ hệ thống điện Việt Nam để không gặp cảnh tương tự trong tương lai... Báo Giao thông phỏng vấn chuyên gia điện lực GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Chuyên gia điện lực GS.VS.TSKH Trần Đình Long
Chính sách giá điện có thể tính toán và dự báo được cho 5-10 năm
Tháng 5/2023, EVN đã đưa cảnh báo thiếu điện trên cả nước và hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Thực trạng này đã được dự báo từ vài năm trước, theo ông tại sao ngành điện lại không có giải pháp đưa nguồn điện bổ sung vào hệ thống để ứng phó với tình trạng này, dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên ở miền Bắc đã khiến cho sinh hoạt của người dân, cũng như doanh nghiệp bị đảo lộn?
Chúng ta tính toán phát triển nguồn điện (nguồn có tình ổn định như nhiệt điện, thuỷ điện...) theo mục tiêu tăng trưởng GDP.
Đầu tư vào nguồn điện tiêu tốn rất nhiều tiền, thậm chí một số nước phát triển còn phải đi vay để đầu tư cho ngành điện. Việt Nam nhiều năm qua cũng cố gắng đầu tư nguồn điện mới song hạn chế về vốn đầu tư khiến mục tiêu này gặp không ít khó khăn.
Kết quả thực hiện quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) vượt mức 480% thì các nguồn nhiệt điện chỉ đạt gần 60%. Miền Bắc chậm tiến độ hơn 3 GW nguồn nhiệt điện. Miền Nam chậm tiến độ hơn 3,6 GW nguồn nhiệt điện nhưng lại vượt gần 14 GW nguồn điện mặt trời.
Mặc dù tổng công suất đặt nguồn điện ở miền Nam vẫn đạt quy hoạch, nhưng nguồn điện mặt trời có lượng điện năng thấp hơn 1/3 so với nguồn nhiệt điện, lại là nguồn biến đổi và phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên việc đảm bảo cấp điện vẫn còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, khi có vấn đề đột biến về thời tiết thì sẽ gây ra thiếu điện như hiện nay.
Để thu hút đầu tư vào ngành điện thì cần phải làm gì, thưa ông?
Việc huy động các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào phát triển năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là một yếu tố rất quan trọng và nhiều quốc gia đã mở cửa thị trường điện để thu hút được vốn đầu tư tư nhân.
Nhờ việc mở cửa đầu tư phát triển ngành điện, những năm vừa qua, Việt Nam cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành điện, cụ thể là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần tính toán đến việc điện sản xuất ra có bán được hay không. Đây là điều kiện tiên quyết để cho bên mua điện có sự chủ động và cũng là tránh rủi ro cho các nhà đầu tư.
Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư NLTT, giá điện hấp dẫn nên 5-7 năm trước đây nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền vào đầu tư xây dựng các nguồn điện. Tăng trưởng của các nguồn điện gió, điện mặt trời là “rất nóng” nên có tình trạng đầu tư nhà máy song không biết bán cho ai, hay gặp cảnh lưới điện không đầu tư kịp dẫn đến hiện tượng quá tải, nhà đầu tư không phát được điện lên lưới, gây ra thua lỗ cho các nhà đầu tư.
Vì vậy, nhà nước đã có quy định trước khi DN xin giấy phép đầu tư và triển khai xây dựng các nguồn điện thì phải biết rõ ràng là khách hàng tiêu thụ sản phẩm của mình là ai, và phải ký được hợp đồng mua bán điện trước khi bỏ tiền ra xây dựng các nguồn điện.
Những khó khăn mà các nhà NLTT gặp phải trong thời gian qua là phát triển quá nóng, không theo đúng quy định đầu tư nên mới dẫn tới những vướng mắc, khó khăn trong phát điện lên lưới, phải đắp chiếu, gây lãng phí nguồn lực?
Đúng vậy. Hiện, để gỡ khó cho các nhà đầu tư NLTT, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã nhiều lần tổ chức hội nghị với chủ đầu tư các dự án để trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện... Các quy trình, thủ tục theo quy định cũng đã được EVN ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư.
Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với nghị với Nhà nước nên có một cơ chế rõ ràng, minh bạch, để các nhà đầu tư họ yên tâm bỏ tiền ra để xây dựng các nguồn điện tái tạo. Cụ thể là Nhà nước nên nghiên cứu và ban hành một chính sách về giá điện dài hơi để các nhà đầu tư có thể tính toán được các chỉ tiêu kinh tế, tài chính cho các công trình điện lực mà họ định đầu tư tham gia vào.
Thực tế, giá điện có thể tính toán và dự báo được cho 5-10 năm sau.
Thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, cách nào?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị khách hàng đấu nối lưới cấp điện áp 110kV trở lên phải trực tiếp mua điện trên thị trường điện. Như vậy, EVN sẽ không còn là người mua duy nhất trên thị trường điện. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
Việc mua bán điện trực tiếp trên lưới điện 110KV trở lên là có lợi cho cả hai, vì công suất đấu nối lên lưới điện 110KV trở lên thường là những nhà máy có công suất khá lớn. Trước đây trong quy định của thị trường điện, các nhà máy có công suất lớn từ 30MW trở lên đã có thể tham gia trực tiếp vào thị trường điện.
Trong mô hình thị trường điện đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2024 thị trường bán lẻ điện phải chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên việc này đang chậm hơn dự kiến.
Cho tới nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã hoàn thành và bây giờ đang nằm ở giai đoạn cuối của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, thực tế, mô hình bán buôn của thị trường cạnh tranh vẫn chưa được hoàn chỉnh bởi vì nếu muốn mua bán buôn cạnh tranh thực hiện được thì cần phải có nhiều đơn vị mua bán buôn, kể cả những thành phần kinh tế khác, tư nhân, HTX, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào.
Hiện nay, ngoài 5 Tổng công ty điện lực của EVN thì chưa có một công ty điện lực nào khác ngoài EVN thực hiện chức năng mua bán buôn như vậy.
Khi đã không có nhiều công ty, nhiều đơn vị mua bán buôn, thì không thể có thị trường mua bán điện cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng được.
Cho nên điều kiện trước tiên là làm thế nào để cho cơ cấu của các đơn vị mua bán buôn điện thay đổi. Chúng ta phải thành lập thêm được các công ty tư nhân, công ty FDI, tham gia vào thị trường mua bán buôn. Bởi, nhiều năm qua mô hình mua bán điện không có thay đổi gì so với trước, tức là EVN bán điện cho 5 công ty phân phối và 5 công ty phân phối làm nhiệm vụ bán cho các hộ tiêu thụ.
Cần cơ chế nào để huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp này, thưa ông?
Theo tôi, thường các công ty mua bán họ kiếm lời trên cơ sở chênh lệch giá họ mua và giá bán. Do vậy, nhà nước cần có nghiên cứu và làm thế nào để các đơn vị bán điện cho các công ty này, bán với một mức giá nào đó và công ty bán buôn điện họ có quyền bán với giá cao hơn, để có lợi nhuận hợp lý, tồn tại và phát triển.
Ông đánh giá như thế nào về cơ cấu nguồn điện ở Quy hoạch điện VIII so với trước và những thách thức phải đối mặt, giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?
Quy hoạch này có rất nhiều điểm khác. Khác biệt rõ nhất là nguồn điện NLTT tăng rất cao. Do đó, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và cũng cảnh báo sự không ổn định cũng rất cao khi các nguồn điện NLTT phụ thuộc vào thời tiết.
Do vậy, nguồn khí thiên nhiên có được bao nhiêu thì cần khai thác tối đa để phát điện. Đây là nguồn điện vừa ổn định hơn, vừa đảm bảo được yêu cầu về môi trường.
Còn NLTT, chúng ta phải tính đến lưu trữ. Tuy nhiên, vấn đề về pin lưu trữ cũng rất tốn kém, tuổi thọ không cao và còn nhiều nghiên cứu cần tính toán cho vấn đề môi trường.
Bởi vậy, tôi cho rằng, Việt Nam nên sử dụng hình thức nhà máy thuỷ điện tích năng. Cụ thể, xây nhà máy điện nhưng vừa có khả năng bơm nước, vừa có khả năng phát điện. Nước ta rất nhiều tiềm năng như vậy.
Ví dụ, dọc bờ biển, tìm địa thế xây dựng một hồ chứa. Ban ngày nhiều điện mặt trời thì dùng điện đó bơm nước biển lên hồ, ban đêm không có thì xả nước từ hồ xuống để phát điện. Công nghệ đó thiết thực và khả thi trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam nên thí điểm một số công trình, nếu thấy có lợi thì làm rộng rãi. Thời gian thí điểm xây dựng hệ thống này cũng tương đương làm một nhà máy thuỷ điện, mất khoảng 3-5 năm. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu nguồn điện NLTT đến năm 2030 thì cần bắt tay vào việc thí điểm càng sớm càng tốt.
Xin cảm ơn ông!
Thiếu điện là cơ hội đầu tư, không phải là nút thắt
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Việc thiếu điện đã cảnh báo nhiều năm nay, chúng ta đã thấy rõ, tuy nhiên, đến nay tình hình không cải thiện, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói rằng "nguyên nhân sâu xa hơn là hệ thống của chúng ta không phản ứng".
Ông băn khoăn, nhẽ ra nên có mức giá khuyến khích khác nhau cho từng vùng, chẳng hạn miền Bắc có giá ưu đãi FIT cao hơn do tiềm năng kém hơn, nhưng chính sách đưa ra lại ngang bằng giữa các vùng. Điều này khiến nhà đầu tư đổ xô làm điện tái tạo ở miền Nam (địa điểm thuận lợi hơn cho điện tái tạo), trong khi lại không đáp ứng được truyền tải... Đây là điểm cần mổ xẻ. Nếu không sẽ còn thiếu điện dài dài.
Vị chuyên gia phân tích, trong kinh tế thị trường, nhìn thấy thiếu hụt là cơ hội kinh doanh. Tức là, chúng ta phải tạo ra một hệ thống phản ứng rằng, việc thiếu hụt điện hiện này là cơ hội kinh doanh, là cơ hội đầu tư, là cơ hội phát triển, chứ không phải đó là nút thắt để kìm hãm sự phát triển.
“Nếu để cho dân và doanh nghiệp làm thì họ làm nhanh lắm”, ông nhấn mạnh và góp ý: Phải thay đổi cách thức làm chính sách, cách thức vận hành chính sách, cách thức tiếp cận, xử lý vấn đề… Nếu không, chúng ta sẽ trì trệ, trì trệ và tiếp tục trì trệ.
Thực tế, hiện nay EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ, nếu vẫn duy trì cơ chế hiện tại, theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, chúng ta sẽ phải bù khoản lỗ đó cho họ, vì họ thực hiện chính sách chứ không phải kinh doanh yếu kém. Phải sòng phẳng như vậy. Nếu không nhìn đúng bản chất, không sòng phẳng thì sẽ không giải quyết vấn đề.
Chưa thấy vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng Xanh
"Việt Nam đang phải làm một quy hoạch điện quá xa nên không sát với thực tế. Theo quy định của Luật Quy hoạch phải sau 10 năm mới có sự điều chỉnh. Nếu theo Luật Quy hoạch, chỉ có 4 điều được quy định liên quan đến quy hoạch điện và không có bất kỳ hướng dẫn nào đi kèm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hướng dẫn các bộ liên quan đến việc triển khai các quy định về quy hoạch với ngành điện. Tôi chưa nhìn thấy vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở đâu".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận