Trọng tài V-League luôn để lại dấu hỏi về năng lực chuyên môn cũng như tư tưởng |
Vừa đá bóng, vừa thổi còi
V-League 2017 chưa đi qua được 1/3 chặng đường nhưng đã xảy ra nhiều sự cố liên quan tới trọng tài. Đỉnh điểm là vụ việc CLB Long An bỏ đá để phản đối quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư trên sân Thống Nhất tại vòng 6. Trước sức ép của dư luận cũng như cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ VH, TT&DL, Tổng cục TDTT, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đưa ra giải pháp. Cụ thể, thay vì việc phân công trọng tài thuộc toàn quyền của Ban Trọng tài, kể từ vòng 9 V-League 2017, việc phân công trọng tài phải được sự nhất trí của 3/4 các cá nhân gồm: Trưởng (Phó) ban Trọng tài; Phó chủ tịch HĐQT VPF Phạm Ngọc Viễn; Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng và Trưởng BTC V-League 2017 Nguyễn Minh Ngọc.
Ngay khi thông tin này được phát đi, các chuyên gia e ngại nếu thực sự việc phân công trọng tài được thực hiện như quy định mới, LĐBĐ Việt Nam (VFF) và VPF đã đi ngược với quy chế bóng đá chuyên nghiệp của FIFA. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định, VFF và VPF không hề xé luật. “Ba thành viên của VPF không can dự trực tiếp vào việc phân công trọng tài và chỉ đóng vai trò tham mưu. Họ là nhà tổ chức, họ có quyền sử dụng hay không sử dụng trọng tài được Ban Trọng tài phân công”, ông Tuấn lý giải.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Trịnh Minh Huế, thực chất của việc thay đổi này chỉ là “đánh bùn sang ao”. “Trước đây, Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi làm Phó BTC giải và bị gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi, sau đó ông Mùi bị bãi miễn vai trò Phó BTC giải. Giờ lại mấy nhân vật tham gia tổ chức giải can thiệp vào công tác trọng tài, vậy thì có khác gì trước, vừa đá bóng vừa thổi còi, lại càng không có hi vọng chuyển biến”, ông Huế nói.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Nguyên (TKTS Báo Pháp luật TP.HCM) cho rằng, giải pháp của VPF chỉ mang tính chất tình thế, đối phó lại dư luận chứ không có gì đặc biệt: “Tôi không kỳ vọng vào sự thay đổi thời gian tới ở công tác trọng tài, dù VPF có đưa ra thêm nhiều giải pháp hơn nữa”.
Xem thêm video:
Xóa đi làm lại
Khi được hỏi giải pháp chấn chỉnh công tác trọng tài trong thời gian tới, nhà báo Nguyễn Nguyên thừa nhận, bầu Đức (Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức - PV) nói đúng. Theo ông Nguyên, bầu Đức là người của ngôi nhà VFF và hiểu rõ nhất những gì đang diễn ra ở đó. Khi bầu Đức nói phải xóa đi làm lại, đương nhiên là có lý của mình. “Dư luận cứ chĩa chỉ trích vào ông Mùi nhưng thực chất ông Mùi đâu phải “một tay che trời” được. Bản thân việc phân công trọng tài, ông Mùi cũng chưa bao giờ được toàn quyền bởi còn phải thông qua Ban Tổng thư ký VFF. Nói vậy để thấy rằng, trên ông Mùi còn nhiều người cao hơn ở VFF”, nhà báo Nguyễn Nguyên phân tích thêm.
Cùng quan điểm với nhà báo Nguyễn Nguyên, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng, thay đổi công tác trọng tài phải có một biện pháp tổng thể, mà đi đầu là xây dựng lại quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Ông Huế khẳng định, bóng đá Việt Nam hiện có ba điểm sai nghiêm trọng, đi ngược lại tinh thần của FIFA. Thứ nhất, lãnh đạo các đội bóng nằm trong bộ máy điều hành VFF, như vậy giải đấu không thể công bằng, tránh khỏi nguy cơ dàn xếp. Thứ hai, một ông chủ có nhiều đội bóng và thứ ba, Ban Trọng tài, các trọng tài can dự vào chuyên môn trận đấu bằng việc “mổ băng” và phát ngôn trước dư luận.
“Bóng đá Việt Nam rõ ràng rối loạn từ thượng tầng nên hạ tầng không thể quy củ, công tác trọng tài cũng vậy. Nếu thực sự muốn thay đổi, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng quyết liệt để VFF tìm người tài, có năng lực cũng như kinh nghiệm soạn lại quy chế bóng đá chuyên nghiệp thật sự chặt chẽ để không đội bóng nào, cá nhân nào có thể lách luật, mưu cầu lợi ích nhóm. Nếu làm được vậy, bóng đá Việt Nam mới hi vọng tìm lại được sự trong sáng”, ông Huế chốt lại vấn đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận