Phi công, tiếp viên hàng không cũng bị ảnh hưởng sức khỏe khi đối mặt với tình trạng jet lag |
Không ngoa khi nói phi công, tiếp viên hàng không là những nghề hao tổn sức khỏe nhất. Họ không chỉ chịu áp lực nặng nề bởi tần suất làm việc dày đặc, căng thẳng mà còn phải chịu những thay đổi múi giờ, dẫn đến loạn nhịp sinh học. Bởi vậy, cách chống mệt mỏi của họ cũng rất hữu ích đối với mọi người khi đi máy bay.
Liệu pháp chống jet lag của phi công
Jet lag - thuật ngữ riêng mô tả trạng thái mệt mỏi sau chuyến bay dài và cơ thể phải chịu tác động của sự chênh lệch múi giờ tại điểm đến. Triệu chứng jet lag thường xuất hiện là trạng thái mất phương hướng, dễ cáu gắt, cảm thấy mệt mỏi, mắt sưng, đau đầu, có cảm giác bị cảm lạnh và đau bụng. Hầu hết những người di chuyển bằng đường hàng không đều bị tác động bởi tình trạng này kể cả những người sống trong môi trường di chuyển thường xuyên như tiếp viên hàng không hay phi công.
Ông Erin E Flynn-Evans, thành viên Nhóm Nghiên cứu các biện pháp chống mệt mỏi thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ NASA của Mỹ cho biết: “Khi đối mặt với jet lag, phi công cũng mệt mỏi như những người bình thường. Chỉ khác là họ được rèn luyện các biện pháp để tận dụng mọi cơ hội nghỉ ngơi”.
Hầu hết các hãng hàng không đều xây dựng chương trình kiểm soát nguy cơ mệt mỏi để giúp phi công khi bị jet lag. Thậm chí, họ chỉ được phép nghỉ mệt nếu jet lag ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn bay. Anh Mark Vanhoenacker, phi công hãng Hàng không British Airways và là tác giả cuốn sách “Bay cùng phi công” bán chạy nhất của Sunday Times cho biết: “Phi công cũng là con người, không phải là robot nhưng chúng tôi phải học cách để tự điều chỉnh.
Thường thì, ít nhất khoảng nửa ngày giữa các chuyến bay là khoảng thời gian cực kỳ mệt mỏi. Tôi biết một số phi công quen bay chuyến ngắn khi phải chuyển sang bay chuyến dài, họ không chịu đựng được phải xin quay về bay chuyến ngắn”.
Nghiên cứu do Viện Y học Không gian vũ trụ tại Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức (DLR) khảo sát tình hình sức khỏe của 12 phi công trong suốt các chuyến bay khứ hồi dài 11 tiếng từ Dusseldorf (Đức) tới Atlanta, Georgia (Mỹ) cho thấy, họ cảm thấy mệt mỏi trong chuyến bay về. Mức độ mệt mỏi đó ảnh hưởng tới hiệu suất công việc.
Trên nhiều diễn đàn hàng không, một số phi công thừa nhận họ đã sử dụng đến thuốc ngủ Ambien để điều chỉnh cho phù hợp với múi giờ mới. Dù giới chức hàng không hầu hết không cấm sử dụng thuốc ngủ, nhưng họ có quy định sau bao lâu khi uống thuốc ngủ phi công mới được phép bay trở lại.
Học cách chống mệt mỏi như phi công
Dù không tránh khỏi ảnh hưởng jet lag nhưng trong phần lớn hành trình bay, các tiếp viên và phi công đều xuất hiện trước hành khách với vẻ mặt tươi vui và hoàn thành tốt công việc phục vụ, đảm bảo an toàn hành trình bay. Anh Mark Vanhoenacker cho biết: “Bản thân tôi đã chịu đựng rất nhiều sự khó chịu từ vấn đề jet lag nhưng tôi vẫn có thể “sống chung với lũ”. Vậy, bí quyết của họ là gì? Những hành khách thường xuyên phải bay chuyến đường dài có thể học được gì từ phi công, tiếp viên để giảm mệt mỏi?
Các chuyên gia và phi công đã đưa ra một số gợi ý khá thú vị. Ông Flynn-Evans khuyên, nếu hành trình bay theo hướng Đông, cách tốt nhất là trước khi đi vài ngày, bạn hãy chăm chỉ dậy sớm và luôn bật đèn sáng. Trong ngày bay và trên chuyến bay, tránh ánh sáng bằng cách đeo kính râm, bịt mắt để điều chỉnh đồng hồ sinh học bên trong cơ thể. Đến địa điểm, trong một vài ngày đầu, ngủ mở rèm để ánh sáng tràn vào nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu hành trình bay theo hướng Tây, đêm trước nên thức muộn, buổi tối vẫn bật đèn sáng để trì hoãn đồng hồ sinh học cơ thể. Trên chuyến bay, không nên đeo kính râm mà để cơ thể tiếp xúc ánh sáng nhiều nhất có thể. Những phương pháp này được thiết kế dựa trên cơ chế - ánh sáng tác động đến đồng hồ sinh học.
Ông Stephen Landells, chuyên gia bay an toàn và phi công bay đường dài thuộc Hiệp hội Phi công Hàng không Anh (Balpa) khuyên, trên máy bay bạn nên uống nhiều nước, ăn nhẹ, tránh sử dụng cà phê và các chất kích thích khác. Ông Stephen Landells cũng khuyên nên tập luyện thể dục thể thao để cơ thể cảm thấy sảng khoái, giúp ngủ ngon hơn. Theo kinh nghiệm của mình, trong ngày đầu tiên khi vừa tới nơi, ông Landells thường tìm một công viên xanh mát để đi dạo, giúp đầu óc sảng khoái.
Còn Betty Thesky, tiếp viên hàng không Mỹ giàu kinh nghiệm trên các chuyến bay đường dài từ Mỹ tới châu Âu lại có cách khác. Theo cô: “Mỗi khi đặt chân tới châu Âu, tôi tự cho phép mình ngủ khoảng vài tiếng sau đó bắt bản thân phải dậy dù vẫn muốn ngủ thêm nữa”. Để tỉnh táo, cô uống chút cà phê, bật nhạc và tập thể dục trong phòng khách sạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận