Giao thông

Cách nào đẩy nhanh giải ngân các dự án giao thông lớn?

09/07/2018, 14:00

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân 2018, vấn đề mấu chốt là tập trung cho công tác giải ngân các dự án ODA.

17

Từ đầu năm đến nay, cao tốc Bến Lức - Long Thành đã giải ngân được 40% kế hoạch vốn giao - Ảnh: VEC

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ GTVT đã giải ngân 10.126 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt 43%), thấp hơn kế hoạch khoảng 3,6%. Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu đến từ các dự án ODA có tổng vốn đầu tư lớn và các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn dư của dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Vướng mặt bằng, chậm quyết toán

Đầu tháng 1/2018, dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với tổng mức đầu tư khoảng 5.343 tỷ đồng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đã được động thổ. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 6/2018, báo cáo của Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho thấy, lũy kế giải ngân của dự án mới được khoảng hơn 447 tỷ đồng (đạt 8%), gồm hơn 66 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 380 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tháng 4/2018, dự án mới chính thức phát lệnh khởi công nên tiến độ giải ngân của dự án chưa cao. “Trong giai đoạn đầu, dự án gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng, tiếp đến là các khâu thiết kế bản vẽ thi công, thí nghiệm vật liệu, chuẩn bị công trường, lựa chọn nhà cung cấp, nhà thầu phụ cũng mất nhiều thời gian. Đến nay, các công tác chuẩn bị đã xong, từ giờ đến cuối năm chắc chắn dự án sẽ tăng tốc thi công và thúc đẩy công tác giải ngân để hoàn thành kế hoạch vốn đã được giao”, ông Roãn nói.

"Những chủ đầu tư, ban QLDA có tỷ lệ giải ngân dưới 43% chứng tỏ thuộc dạng yếu kém, giải ngân chậm đồng nghĩa với việc tiến độ công trình chậm. Bộ đã nhắc nhở nhiều lần, bây giờ cần phải có chế tài xử lý đối với những chủ đầu tư giải ngân kém. Từ giờ đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ không bố trí vốn cho các chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân trì trệ. Chừng nào chủ đầu tư giải ngân dứt điểm toàn bộ mới được xem xét giao vốn”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ GTVT

Một dự án ODA khác cũng do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư là cầu Thịnh Long (Nam Định) với tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng gồm: Vốn vay EDCF (hơn 970 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ (gần 188 tỷ đồng). Được khởi công từ cuối tháng 9/2017, nhưng tính đến hết ngày 30/5/2018, lũy kế giải ngân dự án mới đạt khoảng 129,8 tỷ đồng (đạt 11%) gồm: 6 tỷ đồng vốn trong nước và 123,8 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long nói: “Đầu năm 2018, dự án mới bắt đầu triển khai thi công các hạng mục xây lắp, nên gần đây mới có khối lượng nghiệm thu thanh toán để giải ngân cho các nhà thầu. Từ giờ đến cuối năm 2018, chúng tôi sẽ giải ngân toàn bộ 150 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2018 đã giao cho dự án”.

Được phân bổ 1.583 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2018 cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và 1.291 tỷ đồng cho dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuy nhiên, kết quả giải ngân cho hai dự án này của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, đây là hai dự án đang triển khai thi công, trong đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành đã giải ngân được khoảng 40% kế hoạch, còn lại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn do JICA tài trợ (Đà Nẵng - Tam Kỳ) đã thông xe, đưa vào khai thác từ tháng 8/2017 nhưng đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác quyết toán nên kết quả giải ngân còn chậm, chưa đạt kế hoạch.

“Các dự án của VEC đều là những dự án lớn, công tác quyết toán phải làm rất chặt chẽ, theo đúng trình tự, rồi mới triển khai quyết toán được. Đây là nguyên nhân chính khiến công tác giải ngân các dự án của VEC trong thời gian qua còn chậm”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài chính tạm thời dừng phê duyệt các hồ sơ giải ngân đối với toàn bộ nguồn vốn ODA thuộc 4 dự án do VEC làm chủ đầu tư (Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành) cũng làm ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân các dự án của VEC.

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt để xử lý vướng mắc trong công tác quyết toán của các dự án để phấn đấu đạt kết quả giải ngân các nguồn vốn trong năm 2018 với kết quả cao nhất”, ông Tuấn Anh chia sẻ.  

Tăng tốc giải ngân cuối năm

Chiếm gần 1/5 nguồn vốn TPCP phân bổ cho Bộ GTVT trong năm 2018 gồm vốn kế hoạch 2018 và vốn kế hoạch 2017 kéo dài (khoảng hơn 1.000/4.921 tỷ đồng), tuy nhiên kết quả giải ngân các dự án của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn chậm.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cho biết, toàn bộ nguồn vốn TPCP phân bổ cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong năm 2018 để thực hiện giải ngân cho 7 dự án sử dụng vốn dư của dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh đoạn Ngân Sơn - Nà Phặc, dự án cầu Bình Ca, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; dự án tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) và dự án QL12B tỉnh Ninh Bình.

“Đến nay, đơn vị đã giải ngân được khoảng hơn 200 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2018, từ giờ đến cuối năm còn phải giải ngân khoảng hơn 800 tỷ đồng. Chúng tôi phấn đấu sẽ giải ngân đạt khoảng 90% tổng số vốn được giao trong năm nay”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, trong tháng 7/2018, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án: Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, Chợ Mới - Chợ Chu, Chơn Thành - Đức Hòa; cầu Bình Ca. Riêng dự án Ngân Sơn - Nà Phặc sẽ hoàn thành trong tháng 9/2018, còn lại dự án tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, để hoàn thành kế hoạch giải ngân 2018, vấn đề mấu chốt là phải tập trung cho công tác giải ngân các dự án ODA, bởi đây là nhóm có giá trị, tỷ trọng kế hoạch được giao lớn nhất (15.118 tỷ đồng), chiếm 63% tổng kế hoạch giải ngân của Bộ GTVT.

“Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã họp với các cơ quan tham mưu liên quan như: Vụ KH&ĐT, Cục QLXD&CLCTGT và chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA phải xây dựng tiến độ giải ngân theo từng tháng, từng quý làm cơ sở kiểm soát tiến độ thực hiện và triển khai thi công. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục trong quá trình triển khai và hoàn thiện các thủ tục tạm ứng hợp đồng, đền bù GPMB, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công để sớm giải ngân”, ông Lâm cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.