300 chương trình, dự án đăng ký nhưng chỉ được cấp 70
Phát biểu tại hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh", ông Nguyễn Văn Minh, trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường – TN&MT) cho biết, theo quy định của Nghị định 06, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch (1 đơn vị hạn ngạch bằng 1 tấn CO2 tương đương) thì ngoài việc mua hạn ngạch của cơ sở không sử dụng hết thì có thể mua tín chỉ carbon (1 tín chỉ các-bon bằng 1 tấn CO2 tương đương) để bù trù.
Hiện có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quyết định 01. Từ việc báo cáo kiểm kê khí nhà kính, cơ quan chức năng sẽ tính toán và phân hạn ngạch cho các đơn vị.
Ông Minh cho biết, dù thị trường carbon ở Việt Nam đang ở giai đoạn xây dựng chính sách, thế nhưng thực tế chúng ta đã trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện theo một số cơ chế như: Nghị định thư Kyoto (cơ chế phát triển sạch – CDM, cơ chế buôn bán quyền phát thải – ET…); hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; thỏa thuận Paris, ngoài khuôn khổ UNFCCC.
Đến nay, Việt Nam có khoảng 300 chương trình, dự án có đăng ký với liên hiệp quốc để được cấp tín chỉ carbon, song chỉ có khoảng 70 dự án được cấp tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện.
Nguyên nhân nằm ở quy trình. Theo đại diện Bộ TN&MT, cần thực hiện theo 7 bước bắt buộc. Đây là quy trình vô cùng phức tạp và chi phí cao. Trong đó, bước 3 và bước 6, bắt buộc phải mời cơ quan độc lập đạt tiêu chuẩn quốc tế vào để xem xét xác minh xem việc thực hiện của chúng ta có chính xác không, đúng quy định không. Rất nhiều bước phải bỏ ra chi phí không nhỏ.
Đại diện một doanh nghiệp cũng bày tỏ, hiện nay để thực hiện được các bước trên hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều không biết tiếp cận ra sao nên phần việc phải nhờ đến đầu mối trung gian là một tổ chức nước ngoài.
Việt Nam đã thu được 1.250 tỷ đồng từ tín chỉ carbon
Trước kết quả Việt Nam đã thu được 1.250 tỷ đồng từ tín chỉ carbon, một số doanh nghiệp đặt vấn đề "vì sao không 'tích trữ' tín chỉ carbon để dành bán giá cao ở những thời điểm tốt hơn và liệu rằng có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt khi chúng ta đang bán cho nước ngoài?".
Ông Nguyễn Văn Minh giải thích, tín chỉ carbon có thời hạn sử dụng, không phải là hạn sử dụng mãi mãi. Vì thế, thời điểm này phù hợp chưa chắc sử dụng được cho thời điểm sau đó.
Ví dụ, trên thế giới, giai đoạn 2008-2012, giá tín chỉ carbon lên đến 30 USD/tín chỉ. Tuy nhiên giai đoạn 2013-2020 là giai đoạn "khoảng trống" khi nhiều quốc gia không tham gia cam kết về giảm phát thải vì cho rằng quốc gia này làm, quốc gia khác không làm là bất công bằng. Điều này kéo theo giá tín chỉ carbon giảm mạnh, chỉ còn vài USD.
Còn tại Việt Nam, giai đoạn 2008-2013, có dự án đạt tín chỉ carbon, giá cao nhưng tích trữ lại và không bán. Sau đó giá tín chỉ carbon rớt mạnh, đến nay đơn vị bán vẫn còn để tín chỉ trên hệ thống lưu ký, tiền lấy tín chỉ này về cao hơn cả tiền bán tín chỉ carbon và cũng đã hết thời hạn cam kết.
Để đạt hiệu quả trên thị trường carbon, ông Minh cho rằng, doanh nghiệp cần hủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon; tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính…
Khẳng định các "ông lớn" trên thế giới đã đi trước, đó là bài học cho chúng ta, ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động cải tiến công nghệ, thay đổi cách làm để giảm phát thải và không nên chờ đến khi có quy định, chế tài mới thực hiện.
Nhìn ở góc độ tín chỉ carbon rừng là cuộc chơi quy mô lớn của các đại gia, bởi tiêu chuẩn về hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định… đòi hỏi kinh phí rất lớn. Các giao dịch không chỉ đo từng héc ta rừng mà còn phải đo lường giám sát cả vài trăm héc ta rừng, TS Phạm Văn Đại, giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright nhận định, "cuộc chơi" này phụ thuộc vào nhiều người mua hơn người bán, và để trở thành một thị trường thực sự vẫn cần các quy định cụ thể, chính xác trong bối cảnh vẫn còn nhiều rủi ro.
Với xu hướng yêu cầu sản xuất "xanh", ông Đại cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ.
Ngoài ra, cũng cần xem xét hình thành "Quỹ dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam" để sau này, khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận