Hành khách không nên bỏ các vật dụng có giá trị trong hành lý ký gửi. Đối với hành lý xách tay thì nên để ở khu vực có thể quan sát được - Ảnh: Khánh Linh |
Đi máy bay hạng thương gia để… ăn trộm
Bạn đọc Báo Giao thông chưa quên vụ trộm cắp tài sản lên tới gần nửa tỷ đồng tại khoang thương gia trên chuyến bay VN216, khởi hành sáng 16/4 trong hành trình TP HCM đi Hà Nội của Vietnam Airlines. Cụ thể, theo thông tin của hãng này, quá trình làm việc, tiếp viên trưởng chuyến bay phát hiện khách ngồi ghế 3D tên Ding Ying Jun (SN 1970, là người nước ngoài) đổi chỗ lên ghế 2D và có biểu hiện bất thường. Khi thấy người này cầm túi xách nghi không phải của mình, tiếp viên trưởng đã đề nghị hai khách tại vị trí gần đó (ghế 1G và 1D) kiểm tra lại hành lý thì khách 1G phát hiện bị mất tổng số tiền là 100 triệu đồng và 400 USD và khách 1D xác nhận mất 13.000 USD.
Tiếp viên chuyến bay đã lập biên bản vụ việc, phối hợp với nhân viên mặt đất bàn giao khách Ding Ying Jun cùng tang vật cho nhà chức trách sân bay Nội Bài. Hiện, tên này đã bị cơ quan công an khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản.
Hồi tháng 2/2017, trên chuyến bay VN230 (cũng từ TP.HCM đi Hà Nội), đối tượng Wu Waigang (37 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) có hành vi lấy hành lý của hai hành khách khác, lục lọi tìm kiếm tài sản. Số tài sản hành khách bị mất lên đến cả nghìn USD.
Trước đó, cuối năm 2016, một kẻ được mệnh danh “siêu trộm trên máy bay” tên Gui Xing Liang (SN 1970 trú tại La Sơn, Hà Nam, Trung Quốc) đã bị bắt tận tay. Trên chuyến bay VN170 từ Đà Nẵng ra Hà Nội, Liang đã lợi dụng khi mọi người ngủ say lấy trộm 4.000 USD và 50 triệu đồng của một nam hành khách. Hành vi trộm cắp của Liang đã bị một hành khách và một tiếp viên phát hiện bắt quả tang. Hôm 25/4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử siêu trộm này và tuyên phạt bị cáo hai năm tù giam.
Được biết, Liang đã từng hành nghề tại rất nhiều quốc gia ở châu Á. Tại Trung Quốc, Liang đã hai lần phải ngồi tù về tội trộm cắp tài sản. Thậm chí, khi giở trò tại một quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương, Liang còn bị người dân ở đây phát hiện, chặt cụt bàn tay trái.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, có khoảng 10 vụ trộm cắp trên máy bay bị phát hiện. “Con số này có thể nhiều hơn nếu tính đến những trường hợp hành khách không báo mất đồ”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói và cho biết thêm, tình trạng trộm cắp tài sản thường xảy ra trên một số chặng bay khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với đường bay đi - đến Thái Lan, Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia. Ngoài ra, còn có một số đường bay nội địa như: Cam Ranh, Phú Quốc, TP.HCM và Hà Nội.
Lắp camera trên khoang khách để giám sát
Liên quan đến nạn trộm cắp trên máy bay, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hạn chế tình trạng trộm cắp và trong trường hợp bị mất, khách có được bồi thường hay không?
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không VN cho biết, theo điều lệ vận chuyển của hầu hết các hãng hàng không, hãng chỉ bồi thường cho những gì mà hãng nhận bàn giao của khách. Điều này có nghĩa là hãng chỉ chịu trách nhiệm với hành lý ký gửi chứ không chịu trách nhiệm với hành lý xách tay của khách.
Quá trình vận tải hàng không được khép kín, vì vậy ngay khi phát hiện bị mất đồ, cần báo ngay cho tổ bay để có phương án xử lý, tránh trường hợp kẻ gian đã rời máy bay, ra khỏi khu vực kiểm soát rất khó để điều tra, lấy lại. Hành khách cũng không nên bỏ các vật dụng có giá trị trong hành lý ký gửi. Đối với hành lý xách tay thì nên để ở khu vực có thể quan sát được. Theo quy định, hành lý xách tay chỉ được để trên khoang hành lý hoặc túi ghế phía trước. |
“Các hãng cũng luôn khuyến cáo hành khách không được để trong hành lý ký gửi tiền, nữ trang, kim loại quý hiếm, trang sức bằng bạc, hợp đồng bảo mật hoặc các loại hàng hóa có giá trị khác, các tài liệu kinh doanh, hộ chiếu, CMND… Thực tế, ngay cả khi hành lý ký gửi bị hao hụt về khối lượng, khách cũng chỉ được bồi thường theo cân nặng với mức tối đa không quá một số tiền nhất định cho hành khách chứ hoàn toàn không có chuyện bồi thường đúng như giá trị tài sản đã mất”, vị này nói và cho biết thêm, để tránh bị mất cắp thì không cách nào khác, chính hành khách phải bảo vệ tài sản của mình.
Chị Hằng, một tiếp viên nhiều năm kinh nghiệm cho hay, thời điểm hay xảy ra tình trạng trộm cắp là khi máy bay đã đạt độ cao, khoang khách ổn định và nhiều hành khách chìm vào giấc ngủ. Khi đó, kẻ gian sẽ giả vờ tìm hành lý của mình nhưng thực chất là lục lọi, trộm đồ. Với các chuyến bay ban đêm, việc trộm cắp sẽ diễn ra dễ dàng hơn do hệ thống đèn chiếu sáng của máy bay tắt bớt, tạo điều kiện cho khách hàng có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
Cũng liên quan đến việc bảo vệ tài sản của hành khách đi máy bay, nhiều ý kiến đề xuất lắp camera an ninh để có thể dễ dàng trích xuất hình ảnh khi cần. Về vấn đề này, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO nói: “Về kỹ thuật, có thể lắp camera trên khoang khách máy bay được. Tuy nhiên, máy bay không giống các phương tiện khác như ô tô, xe máy hay tàu hỏa muốn lắp gì vào cũng được”.
Theo ông Tuấn Anh, trong trường hợp muốn lắp camera hay bất kỳ gì khác vào máy bay, hãng hàng không phải mua một “gói cải tiến” của nhà sản xuất, đồng thời phải được nhà sản xuất phê chuẩn về việc lắp đặt đó. Mặc dù vậy, ông Tuấn Anh cũng cho rằng, trên thế giới chưa có tiền lệ về việc lắp camera trong khoang khách. “Có rất nhiều nguyên nhân khiến hãng hàng không quyết định lắp camera, trong đó, ngoài vấn đề chi phí còn liên quan đến quy định, luật pháp tại các nước mà hãng hàng không bay qua”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Đồng quan điểm, một chuyên gia cho hay, việc lắp camera trên khoang khách còn liên quan đến vấn đề nhân quyền. Hành khách phải được thông báo về điều này nếu có. Tuy nhiên, sự phiền phức này sẽ khiến hành khách cảm thấy không thoải mái trên chuyến bay vì bị theo dõi, đây là điều không hãng hàng không nào mong muốn. “Thực tế, sau vụ 11/9, cơ quan chức năng đã cho phép lắp camera để tổ bay có thể quan sát khoang khách vì lý do an ninh. Tuy nhiên, lắp trên khoang lái lại là chuyện khác”, vị này nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận