Cách nào đưa tàu thuyền thoát vùng bão nguy hiểm? |
Nhận biết, xác định tâm bão và hướng di chuyển của bão
Bão và áp thấp nhiệt đới là một vùng xoáy, được hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Tâm bão chính là tâm của vùng xoáy được xác định bằng kinh độ, vĩ độ. Áp thấp nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 (khoảng 39 - 61km/h) và có thể có gió giật trên cấp 7. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên (từ 62km/h trở lên) và có thể có gió giật trên cấp 8...
Trường hợp trên tàu có đầy đủ trang thiết bị hàng hải và phương tiện thông tin, cần xác định vị trí tàu thuyền trong bão.
Trong mùa mưa bão, ngư dân cần thường xuyên mở radio. Khi nghe tin báo bão, phải ghi tọa độ tâm bão (kinh độ, vĩ độ), hướng di chuyển của bão, tốc độ di chuyển của bão, qua đó xác định được các nội dung gồm: Thao tác hải đồ xác định được vị trí tọa độ tâm bão trên hải đồ; Xác định được hướng di chuyển của bão; Dựa vào máy định vị trên tàu, ngư dân cũng xác định được tọa độ tàu lúc thời điểm đó và xác định được khoảng cách từ tàu đến tâm bão.
Với các điều kiện trên, ngư dân cần nhận biết tàu đang ở khu vực nào của bão, từ đó dễ dàng điều khiển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm của bão.
Trường hợp trên tàu không có định vị, hải đồ mà chỉ có la bàn, khi nghe được thông tin báo bão, ngư dân cần xác định vị trí tàu dựa vào la bàn và các hòn đảo trên biển để hướng tàu vào nơi trú ẩn an toàn; Liên hệ với các tàu trong khu vực nắm thông tin, cùng phối hợp điều tàu ra khỏi vùng nguy hiểm (chú trọng các tàu có định vị, hải đồ); Treo vải lụa trên điểm cao nhất của cabin tàu, gió sẽ làm vải lụa tung bay và hướng bay của vải lụa là hướng gió và được đọc theo hướng của la bàn, ngư dân cần quan sát hướng gió ba lần (mỗi lần cách nhau khoảng 20 - 60 phút) và tùy theo sự thay đổi hướng gió và cường độ gió để tự nhận đoán.
Nếu thấy gió đổi hướng từ trái qua phải, tàu đang nằm bên phải hướng di chuyển của bão. Nếu gió đổi hướng từ phải qua trái, tàu đang nằm bên trái hướng di chuyển của bão. Nếu xác định ba lần thấy gió không đổi hướng, cường độ gió ngày càng mạnh thì kết luận tàu đang nằm trên hướng di chuyển của bão.
Điều khiển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm của bão thế nào?
Nếu tàu nằm nửa bên phải hướng di chuyển của bão, bà con cần nhanh chóng lái tàu tránh xa tâm bão bằng cách điều khiển tàu chạy gối sóng, sao cho gió thổi lệch mạn phải mũi tàu một góc khoảng 30 - 45 độ dựa vào la bàn, điều khiển bánh lái cho tàu chạy theo hướng đó tới khi thấy gió chuyển hướng vuông góc mạn phải, tốc độ gió giảm, độ bao phủ của mây, cường độ mưa đã giảm là dấu hiệu cho thấy tàu đã ở ngoài tâm bão.
Nếu tàu đang nằm bên trái hướng di chuyển của bão, ngư dân cần nhanh chóng cho tàu chạy xa tâm bão bằng cách điều khiển tàu chạy xuôi gió sao cho gió thổi lệch mạn phải trục dọc đuôi tàu một góc khoảng 110 - 135 độ, kết hợp la bàn chạy đến khi gió thổi lệch mạn phải một góc khoảng 160 - 170 độ và tiếp tục chạy theo hướng đó cho đến khi gió giảm, tàu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nếu tàu đang nằm trên đường di chuyển của bão, cần nhanh chóng điều khiển tàu chạy sang phía bên trái đường di chuyển của bão và điều khiển giống như trường hợp 2, cho đến khi gió thổi lệch mạn phải đuôi tàu một góc khoảng 160-170 độ, giữ hướng đi cho đến khi gió giảm, lúc đó ta đã ra khỏi vùng bão.
Nếu tàu nằm gần tâm bão, lúc này có gió xoáy rất mạnh, cường độ mưa lớn, tầm nhìn rất hạn chế, biển động dữ dội tức là tàu thuyền nằm trong vùng gần tâm bão. Ngư dân phải thả neo dù hoặc neo rê, để máy tàu nhỏ, kết hợp với la bàn bẻ lái sao cho mạn phải của tàu quay về hướng gió và chếch với hướng sóng 20 - 300 nhằm giảm sóng đập vào mạn tàu. Ngoài ra, cần đóng đinh, khóa chặt các nắp hầm trên boong tàu, các cửa sổ hầm máy trên tàu nhằm tránh nước tràn vào...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận