Ngày 11/10, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan khảo sát tại 4 nút giao thông trọng điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông trong nội ô, gồm: Nguyễn Văn Linh - 30/4; Nguyễn Văn Linh - 3/2; Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Mậu Thân; Mậu Thân - Trần Hưng Đạo.
Trước đó, UBND TP đã đồng thuận chủ trương giao Sở GTVT làm chủ đầu tư, Công ty CP tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Công ty GTVT phía Nam) là đơn vị khảo sát và lập dự án đầu tư lập phương án cải tạo 4 nút giao thông trọng điểm nói trên.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, tại những đầu nút giao thông quan trọng trên thường xuyên có hiện tượng ùn ứ cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT vì lưu lượng phương tiện tập trung tham gia giao thông vào những giờ cao điểm.
Được sự chỉ đạo của UBND TP, Sở GTVT phối hợp cùng các ngành có liên quan triển khai hàng loạt giải pháp cải thiện như: Tháo dỡ vòng xoay điều tiết giao thông bằng đèn tín hiệu; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu có bố trí lệch pha đèn… Qua đó, tình hình giao thông bước đầu tạm ổn định.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT đánh giá, đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Đầu năm 2019, tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao trên xảy ra nghiêm trọng hơn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm.
Sau khi nghiên cứu, đơn vị khảo sát đã đề xuất phương án xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui tại 4 nút giao này với tổng kinh phí thực hiện dự kiến xây dựng cầu vượt là hơn 1.558 tỷ, hầm chui hơn 1.884 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các sở, ban, ngành thống nhất cần có phương án cải tại 4 nút giao trọng điểm, tuy nhiên phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông Cần Thơ.
Ông Nguyễn Kỳ Nam, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ cho rằng phải đánh giá quy hoạch của TP từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, từ đó xem xét đánh giá lại hiệu quả của phương án xây cầu vượt hoặc hầm chui xem có phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đồng tình với ý kiến của Phó trưởng ban Đô thị, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP cho rằng cần phải nghiên cứu rà soát kỹ để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông cho thành phố không chỉ cho năm 2019 mà còn cho 5 năm và thậm chí là đến năm 2030.
Về phương án xây cầu vượt và hầm chui, ông Lê Quang Mạnh cho rằng đó là chỉ dự tính lưu lượng phương tiện lưu thông theo chiều hướng gia tăng để đề ra bài toán giải quyết cho vấn đề này.
“Có cần thiết phải làm cầu vượt hay hầm cho 1 giai đoạn dài cho đến năm 2030. Tôi nhất trí, đó là trong điều kiện chúng ta phân luồng giao thông, thuần túy là năm này sang năm kia là tăng 5%, 10 năm nữa. Nhưng chúng ta lại còn rất nhiều công cụ quản lý nhà nước quan trọng khác đảm bảo định hướng lâu dài cho việc phát triển đô thị tổng thể, bài bản hơn.
Đơn vị khảo sát và lập dự án đầu tư tìm ra phương án nhưng với góc độ TP, với đặc thù của Cần Thơ thì việc xây dựng cầu vượt hay hầm chui có mang tính chất lâu dài hay không? Nếu đã quyết định làm thì chúng ta không thể quay lại được”, Chủ tịch UBND TP nói.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở GTVT phối hợp cùng quận Ninh Kiều triển khai khảo sát thống kê tất các nút giao có thể xảy ra ách tắc, từ đó đưa ra bài toán chung trong giai đoạn ngắn hạn. Để giải quyết bài toán ách tắc, trước mắt ngành giao thông triển khai ngay lập tức các phương án phân luồng giao thông theo phương thức giá long môn, mở rộng hành lang lộ giới đúng quy hoạch, đề xuất Bộ GTVT cấm các phương tiện tải trọng nặng lưu thông theo khung giờ.
Phía đơn vị đầu tư tiếp tục tính toán phương án cải tạo 4 nút giao trọng điểm, nghiên cứu thêm phương án làm cầu thép bê tông. Tuy nhiên, cần phải tính toán chi phí đầu tư cụ thể ở từng nút giao, phân loại ưu tiên, xác định một cách tương đối toàn diện của từng phương án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận