Sáng nay (11/12), tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng, nhiều đại biểu nêu ý kiến về giao thông đô thị Đà Nẵng và đề ra các giải pháp hạn chế tình trạng ùn tắc.
Phương tiện tăng quá nhanh, hạ tầng không đáp ứng kịp
Theo ông Tô Văn Hùng (Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng), hiện nay tổng số km đường đô thị của thành phố tăng không nhiều, nhưng lượng phương tiện qua từng năm tăng đáng kể. Theo tính toán, hiện nay bình quân người dân Đà Nẵng sở hữu 1,14 xe/người.
“Với đà tăng trưởng này, việc kêu gọi xe buýt công cộng không bao giờ có hiệu quả như mong muốn. Thành phố có 2.342 tuyến đường nhưng có tới 8.304 nút giao thông. Đây là nguyên nhân khiến chúng ta không thể nào áp dụng các phương thức giao thông công cộng tiên tiến như buýt nhanh do giao cắt quá lớn”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, diện tích giao thông cần phải có trên đầu người, đất cho giao thông tĩnh của Đà Nẵng rất thấp. Với thực trạng như thế, có phải cần nhiều đường hơn không? Hoặc là tăng diện tích giao thông đô thị?
“Theo tôi, đây là cách tiếp cận chưa chính xác. Bởi quỹ đất của thành phố là 1.200km2, đất liền hơn 900km2, đất nội thị 250km2. Nếu chúng ta dành nhiều đất cho giao thông thì phải thu hẹp đất phát triển đô thị. Nếu tăng nhiều đường giao thông thì lại vào vòng luẩn quẩn; nhiều đường - nhiều xe - tắc đường - đầu tư đường. Nếu cứ tiếp cận cách đó thì không giải quyết được bài toán giao thông đô thị. Rồi lấy đâu ra nguồn lực đầu tư”, ông Hùng nêu vấn đề.
Theo Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, những giải pháp triển khai chưa mang lại hiệu quả còn thực tiễn luôn có những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giao thông như việc đỗ xe dưới lòng lề đường. Diện tích đường đã ít mà xe đỗ cả 2 bên đường thì chiếm hết 1/3 đường rồi. Nhiều khách sạn, nhà hàng dù được cấp phép đầy đủ về chỗ đỗ xe nhưng thực tế xe vẫn đỗ tràn lan ngoài đường.
Ông Hùng cho rằng, để giải quyết được bài toán giao thông đô thị của Đà Nẵng, ngành chức năng phải trả lời được những câu hỏi: Có dẹp được nạn đậu đỗ xe dưới lòng đường; các nhà hàng khách sạn đảm bảo hoạt động phải có chỗ đỗ xe; bao giờ xe buýt mới hoạt động tối ưu; cơ chế, chính sách nào kêu gọi bãi đỗ xe công cộng; và cách nào để hạn chế gia tăng phương tiện giao thông cá nhân?.
Quy hoạch giao thông, "siết" xe cá nhân
Theo ông Phùng Phú Phong, Phó trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, để giải quyết tồn tại, bất cập về giao thông của thành phố một cách căn cơ thì công cụ đầu tiên là phải quy hoạch. Hiện nay, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là cơ hội để tổ chức lại hệ thống giao thông đô thị. Trong đó, cần định hình, tái cấu trúc hệ thống đô thị dựa trên hệ thống giao thông, làm rõ hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại...
Khu vực trung tâm chỉ dành cho hoạt động chính trị, thương mại, nơi ở của người dân là khu vực ngoại ô, các tỉnh lân cận. Để giảm áp lực giao thông cho khu trung tâm, ngoài việc phân luồng, thu phí... thì cần phải tính toán lâu dài hơn bằng cách quy hoạch thành phố theo đa cực, đa trung tâm.
“Đó là nâng cấp các trung tâm quận, huyện như một vệ tinh, kết nối các điểm này với trung tâm thành phố bằng hệ thống giao thông công cộng. Phát triển các trục thương mại, dịch vụ dọc theo tuyến”, ông Phong nói.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, ngành GTVT sẽ triển khai tốt đề án “Tăng cường vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân giai đoạn 2018 - 2020 và 2020 - 2025”. Trong đó, có đề án thu phí đậu đỗ trên đường; kiểm soát phương tiện cá nhân; thu phí xe cơ giới vào trung tâm thành phố; cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe. Các đề án này trong năm 2020 ngành GTVT sẽ hoàn thành, trình HĐND thành phố ban hành, làm cơ sở triển khai tiếp theo.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông, giao thông tĩnh; tập trung vào các công trình trọng điểm như di dời ga đường sắt, xây cảng Liên Chiểu, cải tạo một số nút giao thông khác mức. Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới xe buýt, nâng cao chất lượng xe, tuyên truyền vận động người dân sử dụng xe buýt”, ông Trung cho biết.
Về cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe, ông Trung cho hay, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan trình một số cơ chế để khuyến khích xã hội hóa bãi đỗ xe, như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu; hỗ trợ 100% thiết bị dây chuyền nhập khẩu; hỗ trợ vay vốn; cho NĐT kinh doanh DV thương mại; khuyến khích xã hội đầu tư; thành phố ban hành bảng giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận