Thiếu vốn tái đàn, hụt cung
Dù đã nửa năm trôi qua, song anh Lâm (huyện Quốc Oai, Hà Nội) vẫn chưa thể quên cảm giác bất lực, mất mát và xót xa khi cả đàn lợn 600 con (mỗi con hơn 100kg) đang vào lứa xuất chuồng lăn ra chết do dịch tả lợn châu Phi, khiến anh mất trắng 3 tỷ đồng.
Vẫn còn gánh lãi ngân hàng 500 triệu đồng chưa biết lấy đâu để trả, nên cửa vay vốn để tái đàn của gia đình anh đã khép lại. Trong khi đó, giá con giống, thức ăn chăn nuôi đều tăng, khiến những hộ chăn nuôi như anh e ngại tái đàn chưa chắc thành công.
“Ví dụ, giá con giống lên tới 2,9-3,2 triệu/con/7kg, gấp đôi trước khi có dịch. Nếu muốn tái đàn 10 con phải có vốn 50 triệu đồng, 100 con phải có 500 triệu đồng, khoản vốn này là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay”, anh Lâm buồn bã.
Tương tự, anh Nguyễn Tuấn (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, đã thử tái đàn vào tháng 12/2019 nhưng gặp thất bại, nên kể từ đó thà đi làm việc khác kiếm tiền trả lãi ngân hàng chứ không dám nuôi lợn nữa.
“Hầu như những hộ chăn nuôi số lượng lớn đều phải vay vốn, sau đó khi xuất chuồng lại hoàn trả nên nhiều nhà cũng khốn đốn khi dịch cướp đi cả đàn lợn”, anh Tuấn bày tỏ.
Là vùng chăn nuôi bị thiệt hại lớn song đa số các trang trại lớn không tái đàn, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết: Hộ chăn nuôi không đủ vốn để tái đàn do chính sách chăn nuôi quá khó khăn.
“Những người có lợn bị chết nhiều càng thiệt thòi vì đang còn khoản vay ngân hàng. Điều đáng nói, những người này mới là người chăn nuôi chính, cung cấp nguồn lợn lớn cho địa phương”, ông Ngọc thông tin.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây thông tin: Nguyên nhân giá lợn quá cao trong thời gian qua là do chưa đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường theo yêu cầu.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi của các địa phương, đến hết tháng 3/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ bằng 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018). Trong đó đàn lợn nái còn 2,72 triệu con, bao gồm 109 nghìn con cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh.
Ưu tiên tín dụng, nhập khẩu con giống
“Vậy cần làm gì để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi nhằm tích cực tái đàn, tăng nguồn cung, kéo giảm giá thịt lợn?”, PV Báo Giao thông đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính 15 doanh nghiệp lớn, các điểm liên kết vệ tinh và các doanh nghiệp vừa chiếm tỷ lệ hạt nhân trong cơ cấu ngành hàng: Sản xuất con giống gần 100% đàn giống cụ kỵ, ông bà; 35 - 40% đàn giống bố mẹ; 50% đàn lợn thương phẩm và 50 - 55% sản lượng thức ăn công nghiệp của cả nước.
Tốc độ tái đàn lợn ở những đơn vị này rất nhanh, đạt trên 17%. Một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Công ty CP Việt Nam có tổng đàn 310 nghìn lợn nái, có tốc độ tăng gấp 8 lần bình quân trung của cả nước; Công ty Dabaco có tổng đàn 46 nghìn lợn nái, tăng 16% so với tháng 12/2019; Công ty CJ có tổng đàn 85 nghìn lợn nái.
Ông Tiến cho rằng, các địa phương cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục để giải ngân kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, hộ chăn nuôi thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng có chính sách ưu tiên tín dụng cho người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn.
Ông Tiến cũng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy nhập khẩu ngay lập tức con giống ở nước ngoài để giá giống trong nước bớt căng thẳng.
“Đầu năm 2020 chúng ta đã nhập hơn 2.000 con lợn cụ kỵ, có doanh nghiệp đã xong thủ tục nhập tiếp 2.000 con nữa, chỉ chờ khâu vận chuyển nên dự kiến vào tháng 5 sẽ có sản phẩm về.
Như vậy, cộng với 109.000 con giống cụ kỵ đã có thì chúng ta có thêm nguồn dồi dào để cung cấp giống”, Thứ trưởng Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, trên thị trường có hiện tượng tăng giá thức ăn chăn nuôi, song không ảnh hưởng nhiều và dự báo sẽ ổn định khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn vì lượng thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp thường sản xuất dự trữ trong 2 - 3 tháng. Do đó, việc quan trọng nhất của tái đàn vẫn là khâu chính sách tại địa phương.
Bàn về việc điều hành thị trường thịt lợn trong thời gian tới, Thứ trưởng Tiến nhận định: Ngoài tăng nguồn cung, cần kiểm soát giá các khâu lưu thông. Cụ thể, các địa phương phối hợp với Bộ Công thương rà soát cắt giảm chi phí không hợp lý ở khâu trung gian từ giết mổ đến phân phối đưa ra chợ truyền thống.
Đồng thời, phải có giải pháp tuyên truyền để khuyến khích người dân chuyển sang ăn những sản phẩm thay thế như thịt, trứng gia cầm đang có nguồn cung rất dồi dào, giá cả hợp lý.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về an toàn tái đàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, nếu làm đúng quy trình phòng dịch, chúng ta hoàn toàn yên tâm việc tái đàn.
Quy trình đơn giản là dùng vôi bột khử trùng chuồng trại, lau dọn thường xuyên. Cùng đó, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, được hiểu là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh.
Kỹ thuật này cũng được các địa phương hướng dẫn rất rõ song người dân e ngại đầu tư chuồng trại và vẫn nuôi theo phương pháp cũ thì khó thay đổi được rủi ro trong chăn nuôi. Do đó, tái đàn thành công rất cần sự chủ động của người nuôi và chính quyền địa phương phải cương quyết trong chỉ đạo, hướng dẫn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận