Ngày 5/11, tại buổi Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, mỗi ngày hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên toàn địa bàn TP Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó trung bình có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.
Phần lớn rác thải nhựa được đưa đến những bãi chôn lấp và thậm chí thải ra sông, biển. Loại rác thải này rất khó phân hủy, có "tuổi thọ" gấp 10 lần con người và để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa. Một ví dụ điển hình là chai nhựa đựng nước uống có thể tồn tại đến 10 thế kỷ.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nêu rõ, khi rác thải nhựa bị phân tán không có nghĩa là đã bị loại trừ hoàn toàn, chỉ là từ một mảnh lớn tách thành những mảnh nhỏ hơn và tiếp tục phá hủy môi trường đất, nước ngầm và sông, biển.
Ngoài ra, nhựa cũng sẽ dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 - 800 độ C và có thể hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể của con người. Đặc biệt, trong nhựa có chứa một chất độc hại là Dioctyl phthalate (DOP), nếu tích lũy lâu ngày trong cơ thể sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm. Việc đốt nhựa không đúng quy chuẩn cũng sẽ thải ra vô số những khí độc hại và gây hiệu ứng nhà kính.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể, từ năm 2018, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 206/KH - UBND yêu cầu các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn thực hiện các mô hình giảm thiểu chất thải và tái chế trong các hoạt động của đơn vị.
Ngày 19/8/2019, UBND TP ban hành Văn bản số 3549/UBND-ĐT về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố. Yêu cầu cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Ngày 25/10/2019, UBND TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 232/KH - UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông, mục tiêu 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy... Đến 31/12/2020, thành phố sẽ hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.
Trước đó, Sở TN&MT và Sở GD&ĐT đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại một số trường học trên địa bàn thành phố với chủ đề “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường".
Chương trình được thực hiện tại 800 trường mầm non và tiểu học đang triển khai chương trình Sữa học đường tại 637 trường ở 16 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố, thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tiếp tục tìm kiếm và huy động các sáng kiến xanh cho thành phố; Huy động các nguồn lực tài chính, kỹ thuật trong việc thu gom và tái chế chất thải nhựa; Thiết lập mạng lưới các doanh nghiệp thu gom, tái chế...
Từ nay đến năm 2020, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát và hạn chế chất thải nhựa, túi nilon.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội định hướng và chỉ đạo các cấp tuyên truyền hiệu quả về bảo vệ môi trường và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm xây dựng Thủ đô xanh sạch đẹp và đáng sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận