Xã hội

Cách nào giúp báo chí tháo gỡ khó khăn kinh tế?

24/02/2023, 15:54

Nguồn thu, hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí hiện nay gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp nhằm phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn.

Ngày 24/2, Bộ TT&TT phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.

Sụt giảm doanh thu

Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng, báo chí hiện nay đang gặp khó khăn về tài chính. Do vậy, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển. Đặc biệt, giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp báo chí có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

img

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023

Theo đại diện Báo Tuổi trẻ, nguồn thu từ quảng cáo của nhiều báo đài đã giảm dần kể từ khi xuất hiện mạng xã hội. Nguồn thu từ bán báo giấy lại giảm với tốc độ nhanh hơn cả quảng cáo cho nên nhiều tờ báo sống bằng nguồn thu phát hành báo trở nên chới với trong một thị trường báo chí mới.

Nguồn thu từ báo online tăng không tương xứng với độ tăng của người dùng. Như vậy, hai nguồn thu chính của các báo truyền thống là phát hành và quảng cáo trong 3 năm qua đã giảm rất nhanh và khó hy vọng có thể ngăn chặn sự sụt giảm này trong những năm tới.

img

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông cùng lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự diễn đàn

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho hay, trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn, điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.

Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, doanh thu báo chí lại ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên. Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỉ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỉ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỉ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

img

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc diễn đàn

Theo Cục Báo chí, có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.

Thúc đẩy kinh tế báo chí từ nguồn nào?

Tại diễn đàn, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ chia sẻ, không chỉ Báo Tuổi trẻ mà nhiều cơ quan báo chí hiện nay đều nỗ lực xoay xở để chặn đà sụt giảm doanh thu và tìm kiếm giải pháp tích cực để có được nguồn thu bền vững, lâu dài.

Trong bối cảnh khó khăn ấy, nhiều cơ quan báo chí nhanh nhạy tổ chức nhiều sự kiện truyền thông. Đặc biệt là các sự kiện truyền thông hướng tới cộng đồng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia và được đông đảo công chúng quan tâm. Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện truyền thông không thể với mật độ quá dày nếu muốn bảo đảm đạt kết quả tốt.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông

Trong số các nguồn thu lâu nay, nguồn thu từ báo bán đang giảm nhanh và chắc sẽ giảm tiếp. Nguồn thu từ quảng cáo cũng giảm dần và khó hy vọng tăng trở lại. Nguồn hỗ trợ, đặt hàng cho các báo cũng khó tăng vì số lượng báo đài quá nhiều trong khi ngân sách có hạn.

"Như vậy, báo chí chỉ còn trông vào nguồn thu từ người dùng. Đây có lẽ là nguồn thu căn cơ, lâu dài vì đúng đối tượng, đúng mục tiêu báo chí phục vụ công chúng", ông Trung nói.

Cục Báo chí chia sẻ, việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước cũng là một trong những phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Mai Tuấn Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, do nguồn thu từ các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo mang lại giảm mạnh nên các các hoạt động quảng cáo hiện nay của Trung tâm đang tập trung hướng vào các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Ông Vũ kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành các đơn giá định mức hoạt động của đơn vị sự nghiệp báo chí như phương tiện đi lại, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp, có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí. Ngoài ra, ban hành các quy định về bản quyền báo chí trước thực trạng hiện nay nhiều tin tức báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền.

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền: "Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng... sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí.

Sự thất bại về kinh tế báo chí, tờ báo sẽ khó khăn nhưng còn có thể cứu vãn được. Tuy nhiên, sự thất bại về chính trị, tức xa rời, buông bỏ tôn chỉ, mục đích, nhất là thất bại về pháp lý, thì tờ báo nhất định không còn tồn tại".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.