Khó đạt mục tiêu đón khách quốc tế
Ông đánh giá như thế nào về tình hình thị trường du lịch Việt Nam từ đầu năm đến nay?
Theo đánh giá của tôi, về cơ bản, thị trường du lịch Việt Nam đang phục hồi tốt hậu Covid-19, trong đó trở lại mạnh nhất vẫn là thị trường nội địa.
Đối với thị trường khách quốc tế, tôi cho rằng đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng như cả quý I/2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia có tổng lượng khách lớn nhất đến nước ta với hơn 1,2 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, bằng 150% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10% so với cùng kỳ 2019.
Xếp sau là Trung Quốc với gần 890.000 lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023.
Các con số này đã đáp ứng mục tiêu và kỳ vọng của chúng ta chưa, thưa ông?
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi được về trước thời điểm xảy ra dịch. Đơn cử như khách Trung Quốc, cùng kỳ chúng ta đón tới gần 1,3 triệu lượt khách.
Dựa trên góc độ cạnh tranh, việc thu hút thị trường du lịch khách quốc tế vẫn gặp nhiều thách thức. Sự phục hồi trên cũng chưa được như kỳ vọng.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế. Dù vậy, nếu thực sự chưa có thêm chính sách đột phá, tôi cho rằng chúng ta khó có thể thực hiện được chỉ tiêu này.
Triển khai rời rạc, không gắn kết
Điều gì đang kìm chân du khách, theo đánh giá của ông?
Di chuyển bằng đường hàng không đang ngày càng tăng chi phí. Về cơ bản, giá vé máy bay tăng cao sẽ làm "đội giá" chi phí của các chuyến du lịch, trong khi các công ty phải tăng thêm 10-15% giá tour và gói nghỉ dưỡng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đi lại và du lịch của người dân.
Dù vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhu cầu thực là vẫn hiện hữu, đơn cử như dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới, vé máy bay đều "cháy hàng", song giờ đây du khách sẽ phải tính toán nhiều yếu tố hơn như: du lịch ít ngày, đi địa điểm gần, hay thậm chí không đi nữa.
Thực tế, hàng không vẫn đang là điểm thắt đối với thị trường du lịch Việt Nam. Bên cạnh câu chuyện giá cả, năng lực vận chuyển cũng không đáp ứng được nhu cầu vì thiếu máy bay.
Tình trạng này sẽ hạn chế nguồn khách du lịch đến những địa phương mà việc di chuyển bằng máy bay là nhanh và tiện lợi nhất như Phú Quốc, Côn Đảo…
Tour phải di chuyển bằng hàng không đắt đỏ, có làm tăng cơ hội cho các điểm đến gần, có thể di chuyển bằng ô tô, tàu hoả?
Theo ghi nhận của tôi, khi hàng không vẫn đang phần nào "kìm" nhu cầu du lịch, thì lượng khách đang đổ về các địa phương có hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối với TP.HCM và Hà Nội.
Ví dụ như, hiện tại, du khách từ TP.HCM đang khá chuộng sử dụng phương tiện tàu hỏa để đi du lịch đến các địa điểm như Phan Thiết, Nha Trang, Bình Thuận… Trong khi đó, người dân ở Hà Nội lại chọn phương tiện xe ô tô để đi các tỉnh như: Thanh Hóa, Quảng Ninh…
Giá vé máy bay đắt đỏ có những nguyên nhân khách quan và đã được dự báo trước. Còn nguyên nhân nào khác khiến du lịch Việt Nam thiếu sức hút không, thưa ông?
Tôi cho rằng yếu quan trọng nhất để du lịch Việt Nam bứt phá là chính sách. Trước nay, khi triển khai câu chuyện thúc đẩy du lịch, thì đa phần là "mạnh ai người nấy làm".
Tại sao lại nói như vậy? Bởi mỗi khi vào mùa du lịch, các đơn vị liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ để giảm thiểu tình trạng quá tải cũng như tận dụng tối đa cơ hội phát triển. Tuy nhiên, tôi chưa thấy sự gắn kết giữa các bên.
Chính phủ vẫn chưa thực sự vào cuộc với vai trò là "nhạc trưởng". Hàng không, giao thông, hay doanh nghiệp du lịch vẫn bị thả nổi. Mỗi đơn vị đều làm riêng theo chính sách của mình, và từ đó gây ra nhiều khó khăn và vướng mắc.
Phải liên tục đổi mới sản phẩm du lịch
Vậy theo ông, ngành du lịch cần nhất điều gì lúc này?
Tôi rất thông cảm cho các doanh nghiệp vì bản thân họ cũng phải "đau đầu" làm sao kinh doanh có lãi. Chính vì vậy, có thể nói rằng du lịch đang rơi vào thế kẹt.
Những lúc như này, Chính phủ cần sát sao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, triển khai thêm những chính sách mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, ít nhất là để họ không lỗ. Song song đó, ngân sách nhà nước vẫn thu lại được từ thuế thông qua dịch vụ, việc mua sắm, ăn uống tại các điểm du lịch.
Theo ông thì nước nào đang có cách làm du lịch hiệu quả mà chúng ta có thể học hỏi, áp dụng?
Chúng ta có thể quan sát và học hỏi cách làm của các nước xung quanh, tiêu biểu là Thái Lan. Hiện tại, tour đi Thái Lan chỉ khoảng 7-10 triệu đồng cho 5 ngày. Trong khi đó, tour các tỉnh phía Bắc đi Nha Trang giá phải hơn 12 triệu đồng.
Thái Lan tập trung vào yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đi du lịch của người dân. Khi du khách đến nơi, nước này vẫn thu lại được thông qua chính chi phí từ dịch vụ ăn uống, mua sắm. Thậm chí, mức chi cho điều này còn cao hơn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải có thêm chính sách để phát huy nội tại của đất nước chúng ta. Câu chuyện visa cho khách quốc tế từ lâu đã là thách thức cho du lịch.
Visa chính là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết. Hiện có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam và thời gian lưu trú quá ngắn. Để tháo gỡ điểm nghẽn, Chính phủ cần phải bắt đầu từ visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng nữa. Nếu không đầu tư mở đường bay thẳng thì sẽ khó thu hút khách quốc tế.
So với Thái Lan hay các nước trong khu vực, chúng ta có nhiều điểm đến tiềm năng, cần làm gì để biến lợi thế này thành sản phẩm lôi kéo và níu chân du khách, thưa ông?
Xét trên tổng thể, Việt Nam là một nơi đáng đến với 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà thế giới đã công nhận. Đây là nền tảng hấp dẫn du khách rất lớn mà không phải nước nào cũng có. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa cấp quốc gia cũng nhiều, có nhiều bãi biển mang tầm quốc tế.
Đối với địa phương, không còn cách nào khác ngoài liên tục đổi mới sản phẩm du lịch. Trong một thời gian rất dài hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam hầu như không thay đổi và chưa có nhiều sản phẩm mang tính khác biệt.
Do đó, để thu hút thêm du khách cũng như khiến họ chi tiêu nhiều hơn, các địa phương cần chuyên nghiệp hóa dịch vụ cung ứng, đổi mới sáng tạo sản phẩm, qua đó giới thiệu và nêu bật được bản sắc riêng trong văn hóa và thiên nhiên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận