Chiều 11/10, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm: "Doanh nghiệp ngành GTVT với sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập quốc tế" và ra mắt cuốn sách "Những doanh nghiệp đi trước mở đường". Sự kiện đặc biệt này như một món quà Báo Giao thông dành tặng các doanh nghiệp, doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, đại diện các cơ quan chức năng và hơn 20 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông.
Nhiều khó khăn khiến dự án PPP "nguội lạnh"
Sau phiên thứ nhất với chủ đề: Doanh nghiệp xây lắp giao thông đang ở đâu? phiên thứ hai: Khơi thông dòng vốn, tăng sức sống đầu tư PPP, cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp xây lắp giao thông.
Là doanh nghiệp tham gia 3 dự án BOT (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, Hạ Long - Vân Đồn), ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành bày tỏ quan điểm, huy động nguồn vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng rất khó. Do vậy, khơi thông nguồn vốn PPP, để xã hội hóa đầu tư giao thông là rất cần thiết.
Lý giải thực tế giai đoạn 2011-2015 và 2015-2020, các dự án giao thông huy động tốt nguồn vốn PPP, song, thời gian qua, việc huy động lại vô cùng khó, ông Khôi thẳng thắn nhận định, nguyên nhân chính nằm ở hành lang pháp lý.
Theo ông Khôi, Luật PPP đưa ra tương đối đầy đủ nhưng thực hiện về phía các nhà đầu tư toàn "lép vế" so với cơ quan quản lý Nhà nước.
Đơn cử, các điều khoản điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá trong Luật PPP đều có quy định nhưng không bao giờ thực hiện và muốn thực hiện phải xin qua nhiều cấp.
Nhà đầu tư bỏ tiền ra nhưng nhiều khi lại mang cảm giác như một nhà thầu. Nói cách khác, khi triển khai dự án PPP, doanh nghiệp cần sự chủ động nhiều hơn trong việc đưa ra giải pháp công nghệ, kỹ thuật thi công để nâng cao hiệu quả.
Điều đó được chứng minh ở dự án do Công ty Phương Thành thi công, thời gian thường chỉ khoảng 24-33 tháng, trong khi nếu dự án làm theo đầu tư công không có dự án nào dưới 4-5 năm.
Một khó khăn nữa trong hút nguồn vốn PPP cũng được ông Khôi chỉ ra đó là ngoài tiềm lực nhà đầu tư bỏ ra 15-30% so vốn chủ sở hữu, còn lại là vay từ 70-85% vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Phương Thành cũng thừa nhận, nguồn vốn vay ngân hàng sẽ không chịu rủi ro mà nhà đầu tư phải chấp nhận xoay xở. Thực tế này đòi hỏi cơ quan tư vấn thiết kế cần tính toán sát phương án tài chính với thời gian thu phí dao động khoảng 15-20 năm. Nếu việc hoàn vốn quá dài, ngân hàng sẽ "vẫy tay chào".
Chia sẻ với trăn trở của doanh nghiệp, theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, giai đoạn 2011-2015 thu hút đầu tư nhiều dự án PPP, trong đó Bộ GTVT là 72 dự án chủ yếu theo hình thức BOT huy động 252.000 tỷ đồng. Mạng lưới kết cấu và kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể.
Thế nhưng, giai đoạn 2016-2020, chỉ có 4 dự án thực hiện theo hình thức PPP với tổng giá trị đầu tư 26.000 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Luật PPP ra đời và hiệu lực từ 1/1/2021, có 6 dự án phê duyệt chủ trương theo phương thức PPP và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư.
Do tác động bởi chính sách như: Ảnh hưởng bởi quy hoạch giao thông, có đường song hành dẫn đến phân lưu xe làm giảm doanh thu dự án PPP.
Các dự án BOT giao thông có vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp phải phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Khi dự án không đủ doanh thu thì các ngân hàng quan ngại dự án PPP sẽ rủi ro, siết lại tín dụng dài hạn.
Theo Điều 82 của Luật PPP, doanh nghiệp thu vượt 132% thì chia sẻ 50% cho Nhà nước. Song, nếu doanh nghiệp sụt giảm dưới 50% doanh thu thì phải trình qua nhiều cấp và huy động nguồn để bù đắp doanh thu đó.
Tháo gỡ khó khăn này, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc VN đang trình Thủ tướng xử lý các dự án BOP giao thông và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thu hút nguồn lực rót vốn vào dự án.
Tăng tính chủ động cho nhà đầu tư
Để thị trường đầu tư xây lắp các dự án PPP sôi động trở lại, lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng tính chủ động cho nhà đầu tư. Ví dụ, khi có dự án giao thông, Nhà nước chỉ cần đưa ra đầu bài, nhà đầu tư sẽ tự tính toán về cấp đường, tự thiết kế và đấu thầu trong quá trình làm bàn giao đúng cho Nhà nước theo đúng tiêu chuẩn, thiết kế, chất lượng yêu cầu.
Đồng tình ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho rằng, mối quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư chưa thực sự là đối tác, chưa thực sự bình đẳng trong triển khai đầu tư đối tác công tư, làm nguội lạnh khát vọng của các nhà đầu tư.
Ông cho biết, Hiệp hội đã rà soát, tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong Luật PPP hiện nay để đề xuất sửa đổi Luật PPP.
"Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe các nhà đầu tư để rà soát, chỉnh sửa các cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi trong triển khai", ông Chủng nói và mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục đóng góp sức mạnh, nguồn lực, trí tuệ vào sự phát triển của ngành GTVT Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ gửi lời chúc mừng, tri ân đến các doanh nghiệp ngành GTVT đã đóng góp công sức không nhỏ cho sự phát triển của ngành, của đất nước.
Theo Thứ trưởng, các vấn đề mà doanh nghiệp ngành GTVT đặt ra trong tọa đàm rất đúng, rất trúng, những băn khoăn, trăn trở rất thật.
Những kiến nghị về hạn chế, tồn đọng trong cơ chế, chính sách mà các doanh nghiệp nêu ra, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, Bộ GTVT sẽ xem xét, nghiên cứu để có những giải pháp tháo gỡ.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có một chương về đường cao tốc, đề nghị các doanh nghiệp là những người thực hiện trong thực tế cần tập trung nghiên cứu để có những góp ý xác đáng, Bộ GTVT sẽ xem xét, tiếp thu để hoàn thiện cho phù hợp", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mời xem phóng sự Doanh nghiệp xây lắp và hành trình phát triển giao thông đất nước
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận