Để kiểm soát dịch bệnh, một số địa phương đã quy định người dân khi ra đường phải được cấp giấy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả khi áp dụng giấy đi đường thì số lượng người ra đường vẫn rất đông.
Báo Giao thông trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xung quanh những vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Trong đợt dịch lần thứ 4 lần này, một số địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trong đó có Hà Nội đã đưa ra một số biện pháp kiểm soát như cấp giấy đi đường. Quan sát thực tế, ông nhìn nhận việc này thế nào?
Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát người ra đường trong vùng đỏ hoặc từ vùng đỏ là cần thiết, tuy nhiên hình thức cần phải thay đổi.
Thực tế, việc kiểm soát giấy đi đường nhưng hiện nay tại các chốt cứng với đông người có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn, do cách làm thủ công, kiểm tra trên giấy tờ, tiếp xúc gần, không đảm bảo giãn cách.
Chúng ta có thể thấy rõ hình ảnh dòng người tập trung rất đông tại một số chốt kiểm soát tại cửa ngõ Hà Nội vào sáng 6/9.
Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM còn đang rất phức tạp. Do đó cần bình tĩnh ứng phó, càng nôn nóng càng nguy hiểm.
Để chuẩn bị “mở cửa” cho sản xuất, cho người dân đi lại, làm ăn, theo tôi TP.HCM cần 4 điều kiện đặt ra lúc này: Phải phủ được tỷ lệ tiêm vaccine; đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực y tế, cụ thể là việc trang bị máy móc, thiết bị, bình oxy, trạm cung cấp oxy và các loại thuốc điều trị; chăm lo, động viên, hỗ trợ chính sách tối đa cho lực lượng y tế để họ yên tâm công tác; đảm bảo điều kiện hỗ trợ điều trị F0 kịp thời. Việc ứng phó kịp thời ngay từ cơ sở sẽ tránh làm gián đoạn quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM)
Như ông nói thì hình thức cần phải thay đổi, vậy theo ông nên thay đổi theo hướng nào?
Tôi cho rằng, cần phải thay đổi bằng cách ứng dụng công nghệ, kiểm soát bằng công nghệ, tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, như vậy mới bảo đảm phòng chống dịch.
Chẳng hạn như việc cấp phép và kiểm soát giấy đi đường đã và đang thực hiện tại Đà Nẵng là cách làm hay mà các địa phương nên học hỏi.
Người đi đường chỉ cần dán mã nhận diện lên phương tiện giao thông và người kiểm tra dùng phương tiện để quét mã, lấy thông tin giống như khai báo y tế để đi lên máy bay.
Hoặc như vừa qua, Công an TP.HCM đã thí điểm lắp đặt camera đọc mã QR tại địa bàn quận 1 và quận 3, mang lại nhiều hiệu quả.
Với hệ thống này, người dân chỉ cần mở mã QR của mình đặt trước camera, trong vòng 5 giây đã cho kết quả có thể tiếp tục lưu thông hay không.
Thậm chí, hệ thống này đã phát hiện 63 F0 lưu thông trên đường, đã thu hồi 9 giấy đi đường, đưa vào danh sách báo hủy giấy đi đường 20 trường hợp.
Không ít ý kiến cho rằng, việc lây nhiễm không xảy ra trên đường, mà xảy ra ở những nơi có hoạt động giao tiếp giữa người với người. Vì thế, cần phải kiểm soát chặt chẽ tại các điểm đến, là nơi dễ xảy ra lây nhiễm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi cho rằng, có thể thay việc lập chốt kiểm soát người di chuyển trên đường bằng việc tập trung kiểm soát ở điểm đi, điểm đến.
Tại nơi đến là các cơ quan, xí nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán đồ thiết yếu… cần phát huy vai trò trong việc kiểm soát mọi thành viên tuân thủ 5K và có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Người dân và các cơ sở tự thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, giãn cách là yếu tố quan trọng nhất để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
Kiểm soát quá chặt việc di chuyển trên đường nhưng tại các cửa hàng, công sở, nhà máy, khu công nghiệp, chế xuất lại buông lỏng thì sẽ không hiệu quả. Bởi những nơi làm việc, mua sắm, ăn uống, giải trí, sinh hoạt tôn giáo, đám cưới, tang lễ... và bất kỳ đâu có giao tiếp giữa người với người mới là những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tại mỗi điểm đến cần kiểm soát việc chấp hành khai báo y tế, quét mã QR, đo thân nhiệt và bảo đảm giãn cách, khoảng cách an toàn phòng dịch theo quy định y tế…
Đề xuất xây dựng cơ chế để người đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19 trở lại cuộc sống bình thường mới, tham gia sản xuất, kinh doanh... là hoàn toàn hợp lý và cần được áp dụng sớm. Một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng chính sách này.
Khi số lượng người tiêm chủng 2 mũi đã đạt được tỉ lệ nhất định, nên tính toán để họ sớm trở lại cuộc sống và công việc bình thường. Ngoài ra, một số nhóm khác có thể nới lỏng như F0 đã được chữa khỏi; người tiêm một mũi qua 14 ngày. Nếu chờ đến khi tiêm đủ tối thiểu 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng mới tính đến việc mở cửa sẽ rất lâu. Tỷ lệ vaccine bao phủ đến đâu cũng cần mở cửa từng phần trở lại đến đó.
BS.Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM
Việc này cần được gắn trách nhiệm cụ thể, chẳng hạn như ở siêu thị thì là chủ siêu thị, ở khu công nghiệp chế xuất hay doanh nghiệp thì là người đứng đầu đơn vị, tất cả phải có phương án và tổ chức triển khai nghiêm túc.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại cơ sở, nơi nào vi phạm phải thật phạt nặng.
Theo ông, việc phân vùng quản lý dịch hiện nay đã hợp lý chưa? Mỗi khi có ca dương tính, việc khoanh vùng như thế nào là hợp lý?
Mục đích quản lý dịch phải theo chỉ tiêu dịch tễ học, theo khoa học.
Nguy cơ cao ở đâu thì quản lý ở đó, người ta phải biết khoanh vùng nào, đối tượng nào nguy cơ cao…
Còn nếu lúng túng sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo tôi, cần chủ yếu quản lý khu vực nguy cơ cao đang bùng phát dịch, bởi dịch đã lây lan trong cộng đồng.
Việc quản lý vùng nguy cơ cao cũng phải theo chỉ định dịch tễ học. Theo dịch tễ học, mỗi ca dương tính việc khoanh vùng tính theo bán kính khu vực đó chứ không khoanh theo địa giới phường hay quận…
Bên cạnh đó, hàng ngày bộ phận phòng chống dịch phải công bố cho người dân biết, có khuyến cáo rõ ràng từng vùng có liên quan đến tình hình Covid-19, hiển thị rõ trên bản đồ.
Tất cả vùng không phải nguy cơ cao thì người dân được đi lại, sản xuất bình thường… và đương nhiên phải thực hiện nghiêm quy định 5K.
Dòng người đổ vào “vùng đỏ” dẫn đến ùn tắc cục bộ tại chốt kiểm soát trên đường Cầu Diễn, Hà Nội trong sáng 6/9. Ảnh: Tạ Hải
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những người đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine hoặc những F0 khỏi bệnh thì nên nới lỏng việc đi lại. Đó cũng là một cách để vừa khôi phục phát triển kinh tế nhưng cũng đồng thời kiểm soát được dịch bệnh. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Không thể giãn cách kéo dài mãi được. Nên chăng nới lỏng dần theo vùng và có phương án linh hoạt với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, dĩ nhiên phải tuân thủ 5K và các quy định phòng, chống dịch.
Nên cho phép lao động đã tiêm đủ 2 mũi được đến công sở, nhà máy để doanh nghiệp có thể tái khởi động sản xuất. Vì nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nói riêng và chuỗi cung ứng sản xuất nói chung.
Ông Nguyễn Văn Bé (Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM)
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Y tế, số người được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 là hơn 19 triệu người; hơn 3,5 triệu người đã hoàn thành mũi 2, bên cạnh đó hơn 300 nghìn F0 khỏi bệnh.
Với những F0 đã khỏi bệnh và những người có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine, cơ quan chức năng cũng như chính quyền các địa phương cần có chính sách riêng.
Bởi họ đều đã có kháng thể nhất định.
Trong cuộc chiến chống dịch, chứng nhận y tế cần được coi trọng hơn giấy tờ hành chính, hoặc ít nhất cũng phải được coi là một yếu tố quan trọng để xem xét cấp giấy tờ hành chính.
Với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (đủ thời gian sau 14 ngày tiêm mũi 2) thì nên được phép đi lại, đi làm bình thường như khi chưa có dịch, đương nhiên kèm điều kiện kiểm soát nghiêm túc việc thực hiện 5K.
Việc này nhằm bảo vệ cho người nhà, người xung quanh của chính họ, bởi có thể những người đó chưa được tiêm vaccine.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt kiểm soát trên đường Cầu Diễn hướng vào vùng 1 (vùng đỏ) của Hà Nội trong sáng 6/9. Ảnh: Tạ Hải
Khái niệm “sống chung với dịch” được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Để có thể sống chung với dịch, theo ông điều gì là quan trọng nhất?
Để “sống chung với dịch” hoàn toàn thì cần phải đạt được miễn dịch cộng đồng, với việc mở rộng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho ít nhất khoảng 70% dân số.
Thêm vào đó phải có phương án điều trị tốt nhằm giảm thiểu tử vong, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, giảm tiếp xúc trực tiếp.
Tuy nhiên, khi nguồn cung vaccine còn hạn chế như hiện nay thì mỗi cá nhân thực hiện 5K một cách chuẩn chỉ, nghiêm túc cũng là cách phòng dịch hiệu quả để có thể sống chung với dịch Covid-19.
Cảm ơn ông!
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Người đã tiêm 2 mũi vaccine sẽ được ưu tiên hơn
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong trạng thái bình thường mới, những người đã được tiêm 2 mũi vaccine sẽ được ưu tiên hơn những người đã được tiêm một mũi hoặc chưa tiêm.
“Tuy nhiên, cần phải xác định tiêm 2 mũi vaccine là giúp bản thân họ nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít trở nặng. Song người đã tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm và vẫn có thể lây cho người khác”, ông Sơn nói và cho rằng, việc tiêm không đồng nghĩa họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Vì thế, dù có ưu tiên thì vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Uyên Vũ
TS. Lương Hoài Nam, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam:
Không nên lãng phí kết quả tiêm vaccine
Muốn phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, trước hết cần chắt chiu huy động lực lượng lao động an toàn. Hiện, nước ta đã có hàng triệu người được tiêm 2 mũi vaccine, hàng chục triệu đã tiêm vaccine và hàng trăm nghìn F0 khỏi bệnh.
Nhìn vào lực lượng này, dù chưa nhiều nhưng cũng không phải ít, cần tìm cách sớm đưa họ trở về môi trường lao động, làm việc để phát triển kinh tế.
Do đó, ngay lúc này, phải triển khai chứng chỉ vaccine phục vụ cho người dân trong nước đi lại an toàn, nếu không kết quả tiêm vaccine sẽ trở nên lãng phí.
Một khi đã xác định được “con người xanh” thông qua việc tiêm vaccine, kết hợp với xét nghiệm Covid-19 thì cần trả họ về môi trường lao động bình thường, đặc biệt tại những nơi không có nguy cơ cao về dịch bệnh.
Ở một số quốc gia có nguồn lực mạnh, tỷ lệ người dân tiêm vaccine cao, số người nhiễm vẫn cao song nhờ có vaccine, lượng ca tử vong đã giảm 10-20 lần so với trước đây. Không nước nào khẳng định có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2, thay vào đó họ chấp nhận môi trường sống có dịch bệnh.
Muốn chung sống với dịch an toàn cần đẩy mạnh tiêm vaccine, áp dụng công nghệ hiệu quả vào hoạt động phòng chống dịch Covid-19; thiết lập quy trình làm việc “xanh”, chuẩn mực giao tiếp “xanh” từ gia đình tới nơi cộng đồng. Nếu thiếu các yếu tố trên, chúng ta khó có thể trở lại trạng thái bình thường mới.
Trịnh Tuyết (Ghi)
Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR
Trước thực trạng TP Hà Nội liên tục thay đổi về việc cấp giấy đi đường gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, ngày 9/9, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội và các địa phương trên cả nước về nhân lực, chuyên gia trong việc cấp giấy đi đường có mã QR dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, trước đó, C06 cũng đã phối hợp với TP Hà Nội triển khai thí điểm giấy đi đường có mã QR tại chốt kiểm soát dịch trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đồng thời, C06 cũng đã trình bày các giải pháp kỹ thuật này với UBND TP Hà Nội, với Công an TP Hà Nội và đã cho chạy thí điểm tại TP.HCM, một số tỉnh khác.
“Còn chuyện Hà Nội sử dụng hệ thống này như thế nào thì do Hà Nội quyết định. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội về mặt kỹ thuật, hỗ trợ về nguồn nhân lực. Ngoài ra, bất kỳ địa phương nào cần C06 hỗ trợ về mặt giải pháp trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ lúc nào”, Thượng tá Tô Anh Dũng nói.
Việt Hòa
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận