Quản lý

Cách nào loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng?

31/12/2020, 17:00

Rất ít trường hợp chủ phương tiện hết niên hạn chấp hành quy định nộp lại đăng ký, biển số do chưa có chế tài xử phạt...

img

Hết năm 2019, Cục CSGT chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của hơn 14.000 phương tiện hết niên hạn sử dụng. Trong khi đó, cả nước hiện có hơn 220.000 phương tiện loại này

Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng lớn, trong khi số phương tiện hết niên hạn sử dụng nộp lại đăng ký và biển số rất thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Hơn 200.000 xe hết niên hạn sử dụng

Hiện nay, hành lang pháp lý cho việc quản lý, loại trừ xe hết niên hạn sử dụng đã khá rõ ràng. Tuy nhiên trên thực tế loại xe này vẫn vô tư hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, trong đó đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Trong đó có vụ tai nạn xe khách BKS 29A - 1636 tại Kỳ Sơn, Nghệ An khiến 3 người chết, 4 người bị thương xảy ra ngày 12/12/2019; vụ xe khách lao xuống vực ở Mèo Vạc, Hà Giang làm 4 người chết. Các xe này đều là xe hết niện hạn.

Theo Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt, một trong những mục tiêu đưa ra là trong những năm tới phải ngăn chặn, loại bỏ hoàn toàn xe cơ giới hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông.

Cục Đăng kiểm VN cho biết, cả nước hiện có gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng, gồm hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Trong năm 2020, toàn quốc có gần 16.500 xe ô tô hết niên hạn sử dụng.

Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, tất cả trường hợp xe hết niên hạn đều được đăng tải công khai (biển số, địa chủ chủ xe) trên trang điện tử của Cục Đăng kiểm VN để phục vụ lực lượng chức năng, người dân tra cứu.

“Chương trình phần mềm quản lý kiểm định cũng tự động chặn kiểm định đối với xe hết niên hạn. Do đó, chưa xảy ra trường hợp nào xe ô tô hết niên hạn “lọt” đăng kiểm.

Tại mỗi địa phương, các trung tâm đăng kiểm được giao nhiệm vụ cập nhật và thông báo danh sách xe hết niên hạn cho Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Quân cho biết.

Theo quy định, xe cơ giới không được phép lưu thông trên đường khi đã hết niên hạn sử dụng. Chủ phương tiện phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số và kiểm định cho cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, rất ít trường hợp chủ phương tiện chấp hành quy định nộp lại đăng ký, biển số. Tính chung cả nước, chưa đầy 10% phương tiện hết niên hạn chấp hành quy định này.

Trừ một số địa phương vào cuộc quyết liệt như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, ở nhiều địa phương khác tỷ lệ xe hết niên hạn sử dụng thu hồi đạt tỷ lệ khá thấp.

Đơn cử, tại Hà Nội, đến năm 2020 có thêm hơn 1.600 xe ô tô hết hạn sử dụng nhưng trong 2 năm 2018 và 2019, Hà Nội chỉ thu hồi biển số và đăng ký của 3 phương tiện.

Tính trên phạm vi toàn quốc, đến hết năm 2019, Cục CSGT chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của hơn 14.000 phương tiện.

Cần có những chính sách “mềm”

Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu ATGT, Trường Đại học Việt Đức, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do chưa có chế tài xử phạt chủ phương tiện không nộp lại đăng ký, biển số, khiến nhiều chủ xe chưa chấp hành. Thêm nữa, chiếc xe là một tài sản nên nhiều khi chủ xe vẫn cố tình giữ lại hoặc lén lút sử dụng.

Dẫn kinh nghiệm tại Nhật Bản, TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng, ngay khi mua xe, chủ phương tiện đã phải đóng thuế sử dụng phương tiện. Khi xe hết niên hạn, dù không nộp lại giấy tờ và tiêu hủy phương tiện, chủ xe vẫn bị đánh thuế đều đặn.

“Ở Nhật Bản, chủ xe phải chịu thuế sở hữu xe tương đương 400 USD/năm, tiền đăng kiểm xe cũng phải 300 USD/ năm và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc khoảng 300 USD/năm.

Dù không sử dụng, mỗi tháng chủ xe tốn khoảng 2 triệu đồng. Do vậy, hầu hết các trường hợp xe hết niên hạn, chủ xe đều tiêu hủy. Việt Nam cũng cần có chính sách tương tự”, TS. Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN thì cho rằng, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện chấp hành, thay mới phương tiện, nhiều trường hợp đó còn là phương tiện mưu sinh.

“Vì thế, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách cùng nguồn lực xã hội hóa, với một cách làm linh hoạt. Khi chủ xe thấy việc tiêu hủy phương tiện dễ dàng và có lợi hơn là chịu rủi ro khi lưu hành phương tiện hết niên hạn, lúc đó chế tài mới phát huy hiệu quả”, ông Quyền nói.

Theo ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN, khu vực, địa bàn hoạt động của xe hết niên hạn chủ yếu trên các tuyến đường hẻo lánh, vùng xa, khu vực giao thông nội bộ hoặc tuyến đường ít có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát.

“Để việc quản lý hiệu quả hơn, chính quyền các địa phương cần thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng, nhất là ở địa bàn huyện, xã rà soát, thu hồi biển số xe và lập danh sách xe hết niên hạn nhưng chưa giải bản để quản lý, xử lý khi xe hết niên hạn tham gia giao thông”, đại diện Cục Đăng kiểm VN đề xuất giải pháp.

Quy định về niên hạn sử dụng ô tô bắt đầu được áp dụng từ năm 2004 và hiện các loại xe phải áp dụng niên hạn gồm ô tô tải (chở hàng, chở hàng chuyên dùng), ô tô chở người có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái), ô tô chở người chuyên dùng và các loại xe không được miễn trừ áp dụng niên hạn được quy định tại Nghị định 95/2009 của Chính phủ.

Niên hạn sử dụng được tính từ năm sản xuất xe, trong đó xe tải có niên hạn sử dụng không quá 25 năm, xe chở người không quá 20 năm.

Theo lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), trách nhiệm của lực lượng CSGT là cấp biển số cho các xe đúng niên hạn, hết niên hạn sẽ thu hồi đăng ký xe.

Với các phương tiện hết niên hạn, chủ phương tiện giữ lại làm kỷ niệm hay bán sắt vụn là quyền lựa chọn của họ. Còn hiện tại, CSGT vẫn thường xuyên xử lý các xe hết niên hạn lưu thông ra đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.