Đáng lo là nhiều phương tiện nghỉ hoạt động dài ngày nên không được bảo dưỡng thường xuyên, quá hạn đăng kiểm nguy cơ mất an toàn cao…
Hiện, hồ Hòa Bình còn hàng chục phương tiện chở khách du lịch chưa có chứng nhận đăng kiểm
Hồi sinh sau thời gian dài “ngủ đông”
Dịp nghỉ lễ Giổ Tổ (10/3 Âm lịch) vừa qua, cảng thủy Bích Hạ và Thung Nai trên hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) nhộn nhịp đón các đoàn khách du lịch lòng hồ.
Ông Bùi Văn Nhung, thuyền trưởng một tàu du lịch ở cảng Bích Hạ cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đội tàu du lịch lòng hồ “ngủ đông” suốt hai năm, đến nay mới có dấu hiệu phục hồi.
“Năm nay du lịch được mở lại, dịp nghỉ lễ vừa qua, lượng khách khá đông, mong rằng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè này sẽ đông khách hơn, giúp các dịch vụ du lịch sôi động trở lại”, ông Nhung chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Liêm, phụ trách Cảng vụ Đường thủy nội địa Hòa Bình thông tin, không chỉ dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ, những ngày cuối tuần gần đây, hai cảng thủy trên đều đón khách du lịch đi theo đoàn, có đoàn phải bố trí 2 - 3 tàu để chở khách.
“Nhu cầu đi du lịch bằng phương tiện thủy trên hồ Hòa Bình bắt đầu tăng, những ngày cuối tuần có khi 40 - 50 đoàn. Dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng lực lượng cảng vụ vẫn tuyên truyền để khách du lịch thực hiện quy định 5K, tự giác chấp hành các quy định vận tải thủy để bảo đảm an toàn.
Các phương tiện thủy cũng phải đáp ứng yêu cầu về đăng ký, đăng kiểm và điều kiện thuyền viên mới được cấp phép rời cảng”, ông Liêm cho biết.
Thông tin về hoạt động của phương tiện thủy du lịch khu vực Quảng Ninh, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 cho biết, hai năm qua phần lớn tàu chở khách du lịch vịnh Hạ Long, Bái Tử Long dừng hoạt động nên không có nhu cầu đăng kiểm. Chỉ khoảng nửa tháng gần đây nhiều tàu mới bắt đầu đăng kiểm trở lại để chở khách du lịch.
“Đội phương tiện thủy cao tốc, tàu du lịch thuộc phạm vi quản lý đăng kiểm của đơn vị có khoảng hơn 200 chiếc. Hai năm qua, số lượng phương tiện “nằm bờ” dài ngày chiếm quá nửa. Gần đây, nhiều tàu đề nghị đăng kiểm để tiếp tục hoạt động trở lại, gồm cả tàu cao tốc, tàu nghỉ đêm, tàu tham quan theo chuyến”, ông Đức cho hay.
Kiểm soát chặt chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải
Lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm VN, từ đầu tháng 3/2022, các đơn vị đăng kiểm thủy phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường rà soát, quản lý chất lượng phương tiện thủy chở khách nhằm bảo đảm ATGT đường thủy mùa lễ hội, du lịch hè.
Theo tìm hiểu của PV, cùng với các điểm du lịch đường thủy quen thuộc, một số tuyến vận tải du lịch bằng phương tiện thủy bắt đầu được khai thác. Trong đó, tại miền Trung, gần giữa tháng 4/2022 tuyến vận tải bằng tàu cao tốc Đà Nẵng - Lý Sơn có chiều dài 135km được khai trương. Trong giai đoạn đầu, đơn vị vận tải sử dụng tàu cao tốc có sức chở gần 600 khách, với thời gian di chuyển khoảng 2 giờ.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 cho biết, đơn vị hiện đang phối hợp với các lực lượng chức năng của Đà Nẵng, Quảng Nam (Cảng vụ, CSGT, Thanh tra đường thủy) thực hiện tổng kiểm tra, rà soát điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện và thuyền viên, cảng, bến thủy để siết chặt bảo đảm an toàn vận tải thủy trong mùa du lịch.
Khi phát hiện phương tiện có khiếm khuyết kỹ thuật, sẽ yêu cầu chủ phương tiện sửa chữa, khắc phục theo quy chuẩn kỹ thuật.
Đề cập kết quả rà soát ban đầu, một số đơn vị đăng kiểm thủy cho biết, nhiều phương tiện thủy khách nghỉ hoạt động dài ngày để phòng dịch Covid-19, quá hạn đăng kiểm nên được giám sát chặt chất lượng trước khi lại cấp chứng nhận đăng kiểm.
“Tàu dừng hoạt động lâu ngày do không được bảo dưỡng thường xuyên nên chủ yếu gặp vấn đề do ắc quy, ra-đa, thiết bị giám sát hành trình AIS hoạt động không ổn định…
Khi đăng kiểm phương tiện được yêu cầu vận hành thử với thời gian dài hơn so với bình thường để đánh giá, bảo đảm các thiết bị hoạt động ổn định”, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 Trần Minh Đức chia sẻ.
Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1 Đinh Quốc Vinh cũng cho biết, việc kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện thủy chở khách, trong đó có khu vực hồ thủy điện Hòa Bình tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm các phương tiện đạt chất lượng an toàn kỹ thuật khi hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, có thực tế lo ngại là hiện hồ Hòa Bình còn khá nhiều phương tiện không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không được cấp chứng nhận đăng kiểm và có thể hoạt động “chui”.
Theo thống kê của Đoàn kiểm tra liên ngành Cục CSGT, Đường thuỷ nội địa VN và Cục Đăng kiểm VN, cuối năm 2019, hồ Hòa Bình có 236 phương tiện chở khách. Năm 2021, có 86 tàu được cấp chứng nhận đăng kiểm; còn lại hơn 150 tàu chưa có chứng nhận đăng kiểm.
Trong số hơn 150 tàu, đến nay mới có 54 tàu có hồ sơ thiết kế hoán cải, số còn lại đóng từ nhiều năm trước nên chưa có hồ sơ, khi hoán cải không có sự giám sát kỹ thuật của cơ quan chức năng.
Thực tế một số tàu có kết cấu thân vỏ, tôn không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật; không có các vách kín nước; không được phân khoang, két để đảm bảo tính chống chìm, cứu nạn khi có sự cố hay phao cứu sinh, bình chữa cháy không đáp ứng quy chuẩn…
Theo Chi cục Đăng kiểm số 1, Cục Đăng kiểm VN vừa họp bàn với Sở GTVT, Ban ATGT, Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình và Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II để tìm giải pháp. Trong đó nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát, quản lý chặt chẽ, không để phương tiện thủy chở khách du lịch hoạt động “chui” để đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải du lịch lòng hồ.
Theo ông Nguyễn Hồng Liêm, phụ trách Cảng vụ Đường thủy nội địa Hòa Bình, lo ngại nhất là trên lòng hồ có một số bến cóc, điểm đón khách bằng phương tiện thủy không phép.
“Cần sự chung tay, phối hợp của các lực lượng chức năng nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện thủy tham gia hoạt động chở khách, song cần xử lý nghiêm các trường hợp chở khách “chui” để phòng ngừa TNGT đường thủy”, ông Liêm nói.
Tại cuộc họp về bảo đảm ATGT hoạt động vận tải khách du lịch hồ Hòa Bình, Cục Đăng kiểm VN đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra các phương tiện vận tải thủy chưa đăng ký, đăng kiểm.
Mục đích nhằm tuyên truyền đến chủ phương tiện, đồng thời phân loại, xác định từng trường hợp phương tiện thủy thực tế có khả năng khắc phục khiếm khuyết kỹ thuật để hoàn thành đăng ký, đăng kiểm không.
Đối với trường hợp có khả năng đáp ứng đăng ký, đăng kiểm sẽ đưa ra lộ trình thực hiện; trường hợp không thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cần áp dụng quy định pháp luật để giải quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận