Chính trị

Cách nào ngăn “vận động” phiếu bầu vào Trung ương?

18/12/2020, 07:55

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tôi tin rằng chúng ta có đủ “hàng rào kỹ thuật” để ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực đó", ông Vũ Quốc Hùng nói.

img

Ông Vũ Quốc Hùng

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 14, khi đề cập đến Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, không lành mạnh như: Gặp gỡ, trao đổi và vận động vì lợi ích cá nhân tại Đại hội.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao đổi với Báo Giao thông về những lưu ý rất quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

“Vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn”

Ông có cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc đi nhắc lại việc kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, từ việc sắp xếp nơi ăn chốn ở của các đại biểu thế nào, cách thức giao tiếp ra sao để tránh tình trạng trong quá trình Đại hội diễn ra việc gặp gỡ, mời nhau ăn uống rồi vận động không lành mạnh?

Theo dõi bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tôi và chắc hẳn rất nhiều đảng viên và nhân dân cảm thấy rất tâm đắc, rất kỳ vọng và tin tưởng.

Không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc đi nhắc lại việc kiên quyết đấu tranh với hiện tượng vận động không lành mạnh này.

Thậm chí, ông còn chỉ rõ cách thức vận động như gặp gỡ, quà cáp, biếu xén, nhờ doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia gọi điện cho nhau “ủng hộ em nhé”, nói trắng ra là đút lót.

Những lời nhắc nhở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa khẳng định chủ trương kiên quyết phòng và đấu tranh với những việc làm tiêu cực, sai trái có thể xảy ra tại Đại hội XIII sắp tới.

Việc đấu tranh với hiện tượng này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm thành công của Đại hội.

Thực tế hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc “vận động không lành mạnh” có thể diễn ra mà không cần gặp mặt trực tiếp, có thể chỉ cần một cú điện thoại hoặc một tin nhắn chuyển khoản là xong. Vậy theo ông, làm thế nào để nhận diện và phát hiện được tiêu cực?

Nếu ai đó đã có dã tâm thực hiện ý đồ đen tối thì họ sẽ có muôn vàn cách để vận động không lành mạnh. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, tôi tin rằng chúng ta có đủ “hàng rào kỹ thuật” để ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực đó.

Tuy nhiên, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định, lần này sẽ khác, sẽ có quy chế, quy định chặt chẽ. Và tôi tin Trung ương sẽ thống nhất rất cao, quyết tâm rất cao.

Nếu ai đó dùng công nghệ thông tin để thực hiện ý đồ vận động không lành mạnh thì ta cũng có thể sử dụng công nghệ để triệt phá những âm mưu đó. Thực tế thì mọi hoạt động trên không gian mạng đều lưu lại dấu vết, vì thế chỉ có không làm gì thì mới không để lại dấu vết.

Chính vì vậy, theo tôi, những người đã và đang có ý định vận động không lành mạnh thì tốt nhất nên dẹp bỏ ý định đó. Bởi, kỳ Đại hội này được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chặt chẽ. Những cán bộ không có tài, thiếu đức cố gắng chạy chọt vào chức nọ chức kia sớm muộn gì cũng bị bại lộ.

Xin nhắc lại, trong nhiệm kỳ qua, hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đó có ý đồ chạy chức chạy quyền. Nếu không có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt thì sẽ bị loại bỏ khỏi bộ máy công quyền.

Tôi cho rằng, quy chế bầu cử cần được thiết kế chặt chẽ hơn, từ việc chuẩn bị cho đến tổ chức triển khai và đặc biệt là phải có một hình thức giám sát hiệu quả với thành phần rộng rãi hơn. Đối tượng giám sát càng rộng thì hành vi tiêu cực sẽ hạn chế, thậm chí không còn nữa.

Phát hiện phải kỷ luật ngay

img

Hội nghị Trung ương 14, Khóa XII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, trao đổi, lắng nghe nhau là cần thiết, nhưng phải vì sự nghiệp chung, vì sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân chứ đừng làm mọi việc để mình cốt vào được Trung ương. Phải chăng, cùng với việc đề ra quy chế chặt chẽ thì ý thức tự giác của mỗi đại biểu dự Đại hội mới là quan trọng nhất?

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định, vận động không lành mạnh là việc làm rất xấu, ai làm điều này thì không xứng đáng làm Ủy viên Trung ương, không xứng đáng là đại biểu dự Đại hội. Vì thế, phát hiện ra người nào làm việc này phải kỷ luật ngay.

Thực tế, trước đây dư luận có râm ran về việc vận động phiếu bầu ở vị trí này hay vị trí kia, việc đó tạo nên sự phản cảm và sự phản ứng rất mạnh mẽ từ trong nhân dân.

Trung ương lần này đã rút kinh nghiệm và chỉ đạo rất chặt chẽ. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, để phòng tránh được tiêu cực, vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng quy chế, những tiêu chuẩn, quy định cụ thể, nhận diện những hành vi để kịch liệt lên án, phản đối, áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm nếu phát hiện ra vi phạm.

Ngoài ra, điều quan trọng không kém chính là ở tinh thần và ý thức của các đại biểu đi dự Đại hội. Mỗi đại biểu phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương.

Các đại biểu cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan những tài liệu về tiểu sử, nhân thân, quá trình công tác của các ứng viên được bầu vào Trung ương. Nếu có gì chưa sáng tỏ thì cần có sự góp ý rõ ràng, từ đó sáng suốt lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài.

Nhưng với những trường hợp gặp gỡ, trao đổi công khai với mục đích trong sáng, mang tính chất xây dựng giúp Đại hội thành công thì vẫn cần được khuyến khích và tạo điều kiện?

Đúng thế. Bởi những trao đổi thẳng thắn, dân chủ, khách quan cũng là để lựa chọn được cán bộ có đức, đủ tài cũng là góp phần làm Tổ quốc giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc, Đảng được trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, phải phân biệt rạch ròi là điều này khác hẳn những chuyện vận động không lành mạnh, “ủng hộ anh nhé”, “ủng hộ em nhé”.

Để không khí Đại hội được cởi mở tránh tình trạng thành kiến, áp đặt một chiều từ phía trưởng đoàn thì cần phải có sự dân chủ trong mỗi đoàn. Những đóng góp mang tính chất xây dựng cần phải được ghi nhận, tránh hiện tượng định hướng bầu cho người này, người kia.

Cảm ơn ông!

Ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội):
Không chỉ dừng ở tuyên truyền, giáo dục

Vận động không lành mạnh có biểu hiện rất đa dạng và tinh vi. Không chỉ tự mình đi vận động mà người ta còn có thể sử dụng người thân, “cánh hẩu” để tránh sự soi xét của Đại hội, của dư luận. Nếu điều này xảy ra thì rất nguy hại cho Đảng, Nhà nước và dân nhân.

Nếu phát hiện cán bộ nào vận động không lành mạnh thì cần phải xử lý nghiêm minh, công khai để nhân dân, dư luận được biết và lên án hành vi này, từ đó răn đe những người có ý định chạy chức, chạy quyền.

Chống vận động không lành mạnh trong bầu cử không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục mà phải có những quy định, quy chế cụ thể, nhằm hạn chế tối đa những hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.