Bộ Công an vừa có nội dung giải đáp thắc mắc của công dân về quy định cho phép lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang khi xử lý vi phạm giao thông.
Theo đó, Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Điều 11 của thông tư nêu rõ, nhiệm vụ của bộ phận hóa trang là trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phát hiện vi phạm, cán bộ hóa trang phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Đáng chú ý, Thông tư 32/2023/TT-BCA nhấn mạnh khi CSGT hóa trang phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả về người và tài sản, thì được sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi đó.
Tiếp đó, cảnh sát hóa trang cần thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm, hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Trao đổi thêm với PV Báo Giao thông, đại diện Cục CSGT khẳng định, cảnh sát hóa trang không được trực tiếp xử phạt người vi phạm, mà chỉ giám sát, phát hiện để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm. Quy trình này chặt chẽ, cụ thể nên bộ phận hóa trang không thể lạm quyền khi làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi phát hiện và bắt quả tang đối tượng vi phạm pháp luật về hình sự như tội phạm trộm, cướp, truy nã hay ma túy, cảnh sát hóa trang có quyền bắt giữ, ngăn chặn ngay để đưa về trụ sở công an.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận